TP.HCM: 1 năm thu phí sử dụng vỉa hè được 7 tỷ đồng

14:04 | 28/03/2025
Sau 1 năm thực hiện việc quản lý, thu phí các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ thu được số tiền 7 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM - địa bàn sầm uất các hoạt động kinh doanh, buôn bán, thương mại.
Kiểm tra các bãi giữ xe trên địa bàn TP.HCM Công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố Bài toán khai thác “tài nguyên” vỉa hè: Vừa để thông thoáng, vừa có nguồn thu

Liên quan đến việc quản lý, thu phí các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa giao Sở Giao thông công chánh (GTCC) phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 32 ngày 26/7/2023 của UBND TP.HCM, đảm bảo phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Nghị định số 165 ngày 26/12/2024 của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

TP.HCM: 1 năm thu phí sử dụng vỉa hè được 7 tỷ đồng
Một điểm bán cà phê "tận dụng" vỉa hè tại quận Gò Vấp.

UBND Thành phố giao Sở GTCC chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát, đề xuất UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố xem xét ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 15 ngày 19/9/2023 và Nghị quyết số 01 ngày 16/3/2018 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết số 07 ngày 11/7/2020) của HĐND TP.HCM; phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất UBND Thành phố về chủ trương, phạm vi, kinh phí xây dựng đề án khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, UBND TP.HCM giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý kiên quyết, triệt để đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng lòng đường, vỉa hè sai quy định; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp vỉa hè trên địa bàn, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Tại TP.HCM, việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tuân theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các nghị định liên quan của Chính phủ và các thông tư về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Vào ngày 16/3/2018 HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 01 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 07 năm 2020) ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô. Đến ngày 26/7/2023 UBND Thành phố ban hành Quyết định số 32 quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; đến ngày 19/9/2023 HĐND Thành phố chính thức ban hành Nghị quyết số 15 về mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Khảo sát của phóng viên Báo Lao động Thủ đô trong ngày 28/3 tại một số địa điểm buôn bán nhỏ cũng đã cho thấy nghịch lý hiện nay là rất nhiều người, hộ gia đình và tổ chức kinh doanh dịch vụ trên những tuyến đường có vỉa hè mà không phải đóng phí cho cơ quan quản lý nhà nước, trong khi nguồn thu từ hoạt động buôn bán không hề ít.

Đơn cử, bà N.T.H đặt một tủ kính bán xôi trên đường Dương Thị Mười, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho biết: Mỗi sáng (từ lúc 7h – 9h 30 phút), bà bán được 20 – 30 hộp xôi, giá 15.000 – 20.000 đồng/hộp. Như vậy, mỗi sáng trung bình bà H thu về từ 300.000 – 600.000 đồng, chưa tính chi phí nguyên liệu, nhưng ngược lại bà H không mất tiền thuê mặt bằng, tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán.

Tương tự, anh N.V.K bán cà phê ở đường số 3, khu đô thị City Land, quận Gò Vấp. Mỗi sáng, anh bày biện bàn ghế ra vỉa hè, khách đông từ 6h30 – 9h30, trung bình bán được khoảng 50 – 70 ly cà phê, mỗi ly từ 15.000 – 20.000 đồng, chưa kể các loạt nước ngọt khác. Như vậy mỗi sáng, anh K bán và thu về từ 750.000 – 1 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí nguyên liệu. Và cũng như trường hợp bà N.T.H bán xôi ở đường Dương Thị Mười, anh N.V.K không phải trả tiền mặt bằng mà “tận dụng” vỉa hè làm nơi buôn bán (!).

Theo Sở GTCC TP.HCM: Sau 1 năm triển khai Quyết định số 32 của UBND TP.HCM, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 01 của HĐND Thành phố về quản lý, thu phí các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, toàn Thành phố đã thu được 7 tỷ đồng; trong đó thu tại Sở GTCC khoảng 2,5 tỷ đồng từ tổ chức hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp, trung chuyển rác thải sinh hoạt của các công ty dịch vụ công ích. Cùng với đó các quận huyện thu được 4,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng công trình trên hè phố. Các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương của Thành phố đã xử phạt 12.950 trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè với số tiền 4,53 tỷ đồng.

TP.HCM: 1 năm thu phí sử dụng vỉa hè được 7 tỷ đồng
Hầu hết các cửa hàng ăn uống đều "tận dụng" vỉa hè làm nơi buôn bán. Trong ảnh, một quán cà phê bày biện bàn ghế trên vỉa hè tại khu đô thị City Land, quận Gò Vấp.

Đây là số thu khiến nhiều người “giật mình” vì theo chính báo cáo của Sở GTCC TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 2.271 tuyến đường có vỉa hè (929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên và 1.342 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng dưới 3m). Rõ ràng mức thu 7 tỷ đồng/năm với số lượng tuyến đường có vỉa hè như đã nói ở trên tại một thành phố lớn nhất khu vực phía Nam nhộn nhịp các hoạt động giao thương, kinh doanh, buôn bán là chưa tưng xứng.

Theo đại diện Sở GTCC TP.HCM, hiện nay một số quận, huyện vẫn còn đang rà soát, nghiên cứu… chưa triển khai thực hiện tốt việc quản lý, thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè; tạo một số dư luận về sự thiếu minh bạch, gây thất thoát, lãng phí tài sản, tạo sự mất công bằng đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định. Tình trạng lòng đường, vỉa hè sử dụng không đúng mục đích, việc lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Nhiều vị trí hè phố hiện đang được các tổ chức bố trí trông giữ xe 2 bánh có thu tiền dịch vụ với quy mô lớn như đường Hải Triều, Cô Bắc, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt… mà không thực hiện quy định cấp phép sử dụng tạm và nộp phí sử dụng hè phố theo quy định.

Ngoài ra theo tính toán của Sở GTCC, hiện tồn tại 2 nhóm vướng mắc gồm chưa có quy định cách tính diện tích thu phí hoạt động thể thao, trụ biển quảng cáo, công trình tạm và một số nội dung quy định chưa phù hợp trong điều kiện thực tiễn như việc tính số phí theo 1/2 tháng cho các hoạt động dưới 15 ngày và tính nguyên 1 tháng cho các hoạt động trên 15 ngày.

Xuân Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này