Thị trường xe máy điện: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển

17:14 | 28/03/2025
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc phát triển xe điện tại Việt Nam có thể giúp giảm tới 28% lượng khí thải CO2 từ giao thông vào năm 2050, đồng thời tiết kiệm khoảng 498 tỷ USD chi phí nhập khẩu nhiên liệu. Với việc xe máy chiếm tới 94% tổng số phương tiện giao thông tại Việt Nam, việc chuyển đổi sang xe máy điện không chỉ là một giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Thương hiệu nào đang chiếm lĩnh thị trường xe máy điện Việt Nam? Giá xăng tăng cao, lái xe công nghệ tính đường chuyển sang xe máy điện

Dự báo, đến năm 2050, xe điện hai bánh sẽ chiếm hơn 70% tổng số xe hai bánh tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trong những thị trường xe máy điện lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Theo thông tin từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam có hơn 70 triệu xe máy đang lưu hành, trở thành quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe máy cao nhất toàn cầu, đồng thời là thị trường xe máy điện tiềm năng thứ hai thế giới.

Thị trường xe máy điện: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển
Ảnh minh họa.

Xe máy điện đang dần chiếm ưu thế tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhờ tính dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, chi phí vận hành và bảo dưỡng xe máy điện chỉ bằng 1/10 so với xe chạy bằng xăng, trong khi lượng khí thải CO2 cũng giảm đáng kể. Giá xe máy điện dao động từ 22-70 triệu đồng, tương đương với xe tay ga truyền thống, và các nhà sản xuất như Yadea đang phát triển những mẫu xe với giá chỉ từ 16 triệu đồng nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ tuổi.

Thị trường xe máy điện Việt Nam đang chứng kiến sự thống trị của các nhà sản xuất trong nước như VinFast và Pega. Kể từ khi gia nhập thị trường năm 2017, VinFast đã trở thành thương hiệu dẫn đầu với hơn 70.000 xe bán ra trong năm ngoái. Pega, nhà sản xuất xe máy điện đầu tiên của Việt Nam, hiện chiếm 16% thị phần.

Bên cạnh đó, các công ty quốc tế cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Yadea, một công ty FDI từ Trung Quốc, đã xây dựng nhà máy xe điện đầu tiên tại Bắc Giang vào năm 2019, và tiếp tục mở rộng với khoản đầu tư 100 triệu USD để nâng công suất lên 2 triệu xe mỗi năm. Honda Việt Nam, nhà sản xuất chiếm tới 80% thị phần xe máy tại Việt Nam, cũng bắt đầu tham gia cuộc đua xe máy điện với hai mẫu xe mới.

Dù tiềm năng tăng trưởng của xe máy điện tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên ngành này vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Ví dụ, hiện nay một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính chủ yếu tập trung vào xe ô tô điện, trong khi xe máy điện chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù chi phí vận hành xe máy điện thấp hơn nhiều so với xe xăng, nhưng giá mua ban đầu thường cao hơn, gây trở ngại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ World Bank, cơ hội phát triển của xe máy điện lớn hơn nhiều so với các trở ngại. Sự hỗ trợ từ chính phủ, kết hợp với các khoản đầu tư chiến lược từ doanh nghiệp tư nhân, có thể thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành này. Đặc biệt, thế hệ trẻ từ 25-44 tuổi, với sức mua mạnh và ý thức bảo vệ môi trường cao, đang là nhóm khách hàng tiềm năng của xe máy điện.

Với những bước phát triển mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ chính phủ, thị trường xe máy điện tại Việt Nam có tiềm năng trở thành phương tiện giao thông chủ đạo trong tương lai. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái giao thông bền vững, xanh, sạch và hiện đại.

N.Thắng (t/h)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này