Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba Giải báo chí Ngô Tất Tố Báo Lao động Thủ đô đoạt giải C Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội lần thứ VII |
Dám dấn thân và cần hiểu sâu vấn đề
Mỗi người sinh ra đều chọn cho mình một nghề mưu sinh. Nghề báo trước hết cũng là một công việc giống như rất nhiều công việc khác, nhưng với những người làm báo, khi đã chọn nghề là phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và cả nguy hiểm, đòi hỏi phải có sự dấn thân, đi vào thực tế cuộc sống để viết và tạo ra những tác phẩm báo chí phục vụ độc giả.
Là phóng viên trẻ, tôi luôn cố gắng, nỗ lực, giữ cho mình ngọn lửa đam mê để “cháy” với nghề - một nghề cao quý, đầy trải nghiệm và ý nghĩa... 36 năm tuổi đời, hơn 10 năm tuổi nghề, đối với nghề báo, tôi có lẽ vẫn được tính là người trẻ. Chặng đường hơn 10 năm gắn bó - quãng thời gian chưa quá dài nhưng đủ để tôi có sự trải nghiệm, kinh nghiệm, hiểu rõ rằng tôi thực sự yêu nghề, trân quý và muốn gắn bó với nghề. Bằng thực tế, tôi đã được nhìn thấy các bác, các chú, các anh, chị đi trước lao động báo chí nghiêm túc như thế nào. Tôi may mắn được rèn luyện và trải nghiệm lao động ở chính những người nghiêm túc với nghề như vậy.
![]() |
Tác giả chụp ảnh cùng nhân vật trong một chuyến đi tác nghiệp. |
Tôi nghiệm ra rằng, nếu trước đây, thế hệ chúng tôi lúc còn là sinh viên hay nghe và nhắc đến cụm từ "đam mê nghề nghiệp” thì sau hơn 10 năm với nghề, tôi ít nghĩ về điều đó. Với tôi, "đam mê” trong lao động báo chí là hai từ trừu tượng, nếu được lựa chọn từ ngữ để nói về tình yêu với nghề mà mình lựa chọn, tôi sẽ chọn hai từ "nghiêm túc”.
Trong quãng thời gian làm nghề của mình, cá nhân tôi may mắn giành được hơn 20 giải thưởng báo chí lớn nhỏ. Ở tất thảy những tác phẩm dự thi và đoạt giải ấy tôi đều giành sự nghiêm túc nhất có thể. Nghiêm túc trong suy nghĩ, nghiêm túc trong lên ý tưởng triển khai và nghiêm túc trong quá trình tác nghiệp, xây dựng bài viết.
Mỗi năm, tôi thường nỗ lực đầu tư khoảng 5 - 6 loạt bài viết chuyên đề công phu. Những loạt bài có thể không mới, chưa hay nhưng chắc chắn rất kỳ công, công phu, bởi đó là cả một quá trình theo dõi diễn biến, sự thay đổi qua từng năm và tìm ra câu trả lời, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết triệt để vấn đề.
Tác phẩm sẽ có hồn và có giải
Năm vừa qua, một số loạt bài viết của tôi và đồng nghiệp như: “Tạo đột phá mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình: Bắt đầu từ nêu gương, dám nghĩ, dám làm”; “Ứng xử với văn hóa phi vật thể tại Thủ đô: Những gợi mở và cách tiếp cận mới!”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Góc nhìn từ quận Tây Hồ”… đều gây tiếng vang lớn và giành giải tại các cuộc thi do Thành phố tổ chức.
Với tôi, để có được thành công như vậy là chính bởi quán triệt tinh thần “Nghiêm túc trong suy nghĩ, nghiêm túc trong lên ý tưởng triển khai và nghiêm túc trong quá trình tác nghiệp, xây dựng bài viết”. Dễ thấy nhất, các chuyến đi không bao giờ lãng phí cả. Trước một vấn đề tôi luôn đi sâu vào tìm hiểu thực trạng cũng như tìm ra lời giải để xử lý hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, để có được những “trái ngọt”, ngoài sự nỗ lực và nghiêm túc của bản thân thì không thể thiếu yếu tố may mắn và sự ủng hộ hết mình của đồng nghiệp trong cơ quan và đặc biệt là Ban Biên tập Báo Lao động Thủ đô. Loạt bài 4 kỳ “Tạo đột phá mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình: Bắt đầu từ nêu gương, dám nghĩ, dám làm” vừa đoạt giải C Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội lần thứ VII là ví dụ.
Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi tôi và hai đồng nghiệp Nguyễn Hoa, Phương Ngân suy nghĩ về đề tài, lên ý tưởng cho loạt bài thì lãnh đạo Ban Kinh tế và Ban Thời sự - Nội chính đều có những góp ý cụ thể, sao cho bài được thấm sâu từ cơ sở, sát thực tế nhất có thể. Không chỉ vậy, các chị còn “vận động hành lang” xin chủ trương từ Ban Biên tập để bài viết chiếm trọn diện tích 2 trang/số báo, đây là điều gần như chưa từng có tiền lệ ở Báo Lao động Thủ đô. Bản thảo bài viết khi được chuyển xuống Ban Thư ký, để bài tiếp tục “nặng hơn” và nâng tầm bao quát, Phụ trách Ban Thư ký cũng trăn trở, chỉnh sửa, và biên tập câu chữ cho nhóm tác giả chúng tôi ròng rã nhiều ngày. Ban Biên tập, đặc biệt là đồng chí Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập cũng dành sự ủng hộ cao nhất cho loạt bài viết, tạo điều kiện tối đa về diện tích đăng tải cũng như theo sát loạt bài từ khi chỉ là bản thảo đến lúc tờ báo thơm mùi mực đến tay độc giả và đến tận lúc mang bài đi “đấu giải”.
Hồi sinh viên, tôi viết báo rất đơn thuần là để kiếm nhuận bút và có tên trên báo là niềm vui mà không quan tâm bài viết của mình có hiệu ứng như thế nào đối với người đọc. Nhưng khi vào làm việc tại Báo Lao động Thủ đô, càng viết tôi càng thấy phải trách nhiệm hơn với tác phẩm của mình, viết bằng cái tâm, bằng trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng với xã hội.
Tôi nghĩ viết báo bây giờ khó hơn, bởi vì mình luôn gắn trách nhiệm của mình trong mỗi tác phẩm. Nếu bản thân chỉ viết đơn thuần thì rất nhàm chán. Vì thế, trong bất cứ vấn đề hay loạt bài nào, tôi đều xác định cần phải tìm hiểu thật kỹ và viết bằng cái tâm, có sự đau đáu trong tác phẩm, gắn trách nhiệm và nỗi trăn trở của người dân của cộng đồng vào tác phẩm để làm sao giải quyết được vấn đề còn tồn tại.
Nói cách khác, việc viết báo bây giờ không đơn thuần chỉ là tình yêu mà còn là nhiệm vụ là trách nhiệm của người cầm bút. Và dĩ nhiên, sự tỉ mỉ, nghiêm túc trong từng bài viết chính là “bí quyết” làm nên những “quả ngọt” là các giải thưởng về báo chí.
Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi tôi và hai đồng nghiệp Nguyễn Hoa, Phương Ngân suy nghĩ về đề tài, lên ý tưởng cho loạt bài thì lãnh đạo Ban Kinh tế và Ban Thời sự - Nội chính đều có những góp ý cụ thể, sao cho bài được thấm sâu từ cơ sở, sát thực tế nhất có thể. Không chỉ vậy, các chị còn “vận động hành lang” xin chủ trương từ Ban Biên tập để bài viết chiếm trọn diện tích 2 trang/số báo, đây là điều gần như chưa từng có tiền lệ ở Báo Lao động Thủ đô. Bản thảo bài viết khi được chuyển xuống Ban Thư ký, để bài tiếp tục “nặng hơn” và nâng tầm bao quát, Phụ trách Ban Thư ký cũng trăn trở, chỉnh sửa, biên tập câu chữ cho nhóm tác giả chúng tôi ròng rã nhiều ngày. Ban Biên tập, đặc biệt là đồng chí Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập cũng dành sự ủng hộ cao nhất cho loạt bài viết, tạo điều kiện tối đa về diện tích đăng tải cũng như theo sát loạt bài từ khi chỉ là bản thảo đến lúc tờ báo thơm mùi mực đến tay độc giả và đến tận lúc mang bài đi “đấu giải”. |
Đinh Luyện
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/niem-vui-moi-lan-nhan-giai-187208.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này