Bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao Xây dựng luật để ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân |
Rà soát, thống nhất với các luật liên quan
Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo Nghị quyết 59 ngày 11/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và xem xét tại kỳ họp thứ 10.
Tuy nhiên, sau đó trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thông qua tại một kỳ họp do sự cần thiết, cấp bách điều chỉnh lĩnh vực này để chống tội phạm trên mạng xâm phạm dữ liệu cá nhân và có nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quốc hội |
Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đặc biệt là ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Đáng quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, để có cơ sở giao Chính phủ quy định cụ thể mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo hướng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được thực hiện theo quy định của luật tương ứng.
Đai biểu Dương Khắc Mai cũng dẫn chứng một số quy định liên quan đến trẻ em trong dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật Trẻ em và Bộ luật Dân sự. Thứ nhất là về độ tuổi, theo quy định của Luật Trẻ em thì với trẻ từ đủ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi, việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trường hợp này không cần sự đồng ý của trẻ em, cha, mẹ, người giám hộ.
![]() |
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội |
Thứ hai là chưa thống nhất về phạm vi người đại diện cho trẻ em, vì người đại diện theo pháp luật ngoài cha, mẹ, người giám hộ còn có thêm người đại diện do Tòa án chỉ định (Điều 136 của Bộ luật Dân sự).
Vì vậy, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Trẻ em và Bộ luật Dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị chỉnh lý lại quy định nêu trên theo hướng việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải được sự đồng ý của trẻ em và cha, mẹ hoặc người giám hộ trong các trường hợp: Trẻ em từ đủ 7 tuổi đến dưới 15 tuổi; trẻ em từ đủ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em...
Làm rõ có được tặng, cho dữ liệu cá nhân?
Bên cạnh đó, về các hành vi bị cấm, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm "mua, bán dữ liệu cá nhân", đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị làm rõ, cấm mua bán dữ liệu thì có cấm hành vi tặng, cho hay không?
“Dữ liệu mà tổ chức, doanh nghiệp thu thập được của chủ thể dữ liệu cá nhân là dữ liệu đã được xử lý. Do đó, lúc này dữ liệu do doanh nghiệp, tổ chức thu thập là tập hợp dữ liệu của nhiều chủ thể dữ liệu cá nhân và chi phí của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Vì vậy, tôi cho rằng việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân cần được cân nhắc”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng, một tập đoàn, công ty có nhiều công ty con, vậy dữ liệu cá nhân sau khi đã được xử lý thành tệp thì một công ty có thể chuyển cho các công ty khác trong tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh không?
“Bản thân doanh nghiệp cũng kiến nghị được chuyển dữ liệu cá nhân từ bộ phận này sang bộ phận khác để sử dụng hiệu quả nhất”, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích và cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ khi nào thì được mua bán, khi nào thì được trao đổi.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội. Đối với những vấn đề mới đang trong quá trình vận động và biến động thường xuyên, chưa ổn định thì quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đồng thời, cần rà soát các quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định kinh doanh có điều kiện liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm thế nào quản lý được nhưng không đặt gánh nặng lên doanh nghiệp, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, triệt để cắt giảm để đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/quy-dinh-ro-khi-nao-duoc-trao-doi-tang-cho-du-lieu-ca-nhan-187175.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này