Vụ mua bán hóa đơn trái phép: Nguyễn Đăng Thuyết bị đề nghị mức án 15-16 năm tù

10:35 | 27/03/2025
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ mua bán hóa đơn gây thất thoát hơn 743 tỷ đồng tiền thuế, xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội (Công ty Thành An), Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh (Công ty Danh), Công ty TNHH Thiết bị y tế Tràng Thi (Công ty Tràng Thi).
Truy tố các bị can trong vụ mua bán hơn 19.000 hóa đơn Phạt tù nhóm công chức thuế "bảo kê" đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng Sắp xét xử các bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Chiều 26/3, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (sinh năm 1970, cựu Tổng Giám đốc Công ty Thành An) từ 15 - 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại điều 221 khoản 3 Bộ luật Hình sự. Ngoài án phạt tù, Viện Kiểm sát còn đề nghị Tòa cấm bị cáo Thuyết làm công việc liên quan đến kế toán trong thời hạn 5 năm.

Về cùng tội danh "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", 5 bị cáo khác gồm: Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1978, Giám sát kế toán thuế Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi) bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị từ 11-12 năm tù; Bùi Thị Mai Hương (sinh năm 1982, Kế toán trưởng Công ty Danh) từ 7-8 năm tù; Đỗ Thị Hoa (sinh năm 1974, cựu Kế toán trưởng Công ty Thành An, Trưởng ban Kiểm soát nội bộ Công ty Tràng Thi) từ 5-6 năm tù; Nguyễn Nhật Linh (sinh năm 1986, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thành An) và Nguyễn Quý Khái (sinh năm 1983, Giám đốc Công ty Danh) cùng mức từ 3-4 năm tù. Năm bị cáo này đều bị Viện Kiểm sát đề nghị cấm làm công việc liên quan đến kế toán trong thời hạn 5 năm.

Vụ mua bán hóa đơn trái phép: Nguyễn Đăng Thuyết bị đề nghị mức án 15-16 năm tù
Các bị cáo trong vụ mua bán hóa đơn gây thất thoát hơn 743 tỷ đồng.

Nhóm 32 bị cáo còn lại bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị các mức phạt gồm: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt từ 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù về cùng tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" theo quy định tại điều 203 Bộ luật Hình sự.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, những năm qua Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước, cố ý làm trái các quy định để làm giàu bất chính. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của nhà nước về quản lý kinh tế.

Từ năm 2017-2022, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết đã chỉ đạo lập, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán tài chính trong cùng một kỳ kế toán. Trong đó, số liệu về tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng lợi nhuận trước thuế trong các năm từ 2017- 2022 có sự chênh lệch lớn, phản ánh không đúng thực tế về hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kế toán.

Vụ án có tính chất đồng phạm, trong đó bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết là chủ mưu, tổ chức thực hiện tội phạm; các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp; hành vi phạm tội diễn ra trong nhiều năm, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Bị cáo Thuyết dù đã bỏ trốn, nhưng căn cứ tài liệu điều tra, lời khai của các bị cáo trong nhóm Công ty Thành An và những người có liên quan trong vụ án, lời nhận tội của bị cáo Thuyết tại đơn đề ngày 11/3/2025 do bị cáo viết từ Hoa Kỳ gửi Tòa án nhân dân Thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, có cơ sở xác định hành vi phạm tội của bị cáo này như nội dung cáo trạng.

Theo đó, bị cáo Thuyết đã trực tiếp chỉ đạo vợ là Nguyễn Nhật Linh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Thành An) và các bị cáo khác lập, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán tài chính trên phần mềm kế toán FAST để theo dõi kết quả hoạt động kinh doanh của 3 công ty và hạch toán, kê khai, báo cáo thuế có số liệu sai lệch do mua hóa đơn khống để hạch toán, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Sau khi bỏ trốn khỏi Việt Nam, bị cáo vẫn tiếp tục chỉ đạo thông qua ứng dụng phần mềm Viber, Telegram cho vợ để bị cáo Nguyễn Nhật Linh tiếp tục chỉ đạo đến các bị cáo khác tại nhóm công ty này thực hiện hành vi phạm tội.

Hậu quả thiệt hại tài sản của nhà nước từ hành vi phạm tội của bị cáo Thuyết gây ra là rất lớn, sau khi phạm tội bị cáo bỏ trốn, do vậy, cần phải được xử lý trước pháp luật bằng một bản án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này