DeepSeek gấp rút ra mắt mô hình R2 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số của Quốc hội |
Trong phần trình bày về chiến lược AI và chuyển đổi số tại Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn 2025, giáo sư Young-Sup Joo từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược dài hạn và toàn diện để tận dụng lợi thế công nghệ. Chuyên gia nhấn mạnh rằng việc tiếp cận AI ngoài là vấn đề công nghệ còn liên quan đến các yếu tố chiến lược và chính sách.
Giáo sư Young-Sup Joo nhận định AI hiện nay đã vượt qua giới hạn của một công nghệ đơn thuần để trở thành chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển bền vững về cả kinh tế, môi trường và xã hội. AI có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện hiệu suất làm việc, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến phát triển xanh như giảm tiêu thụ năng lượng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để AI phục vụ con người, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố lợi nhuận hoặc công nghệ đơn thuần.
Đề xuất chiến lược phát triển AI cho Việt Nam, ông Young-Sup Joo hiến kế 2 hướng, một là “Fast Follower Strategy” (người lần theo dấu chân) và “First Mover Strategy” (người mở đường).
![]() |
Ông Young-Sup Joo đề cập 2 chiến lược phát triển AI tại Việt Nam |
Cụ thể với chiến lược “Người lần theo dấu chân”, Việt Nam có thể học hỏi từ những quốc gia phát triển, áp dụng các mô hình AI thành công một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi toàn cầu, việc chỉ đơn thuần "theo sau" không còn là một lựa chọn tối ưu. Do đó, Việt Nam cần tìm kiếm những lĩnh vực mà mình có thể trở thành "Người mở đường", đặc biệt là trong ứng dụng AI vào các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất, nông nghiệp và y tế.
“Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc AI như Mỹ hay Trung Quốc, Việt Nam có thể tập trung vào ứng dụng AI trong công nghiệp (Industrial AI), nơi vẫn còn nhiều cơ hội để dẫn đầu. Việc đầu tư vào AI không nên dừng lại ở công nghệ, thay vào đó cần đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng số và hợp tác với các đối tác toàn cầu. Tận dụng lợi thế của dữ liệu bản địa và kinh nghiệm trong các lĩnh vực đặc thù, Việt Nam có thể tạo ra giá trị bền vững hơn trong cuộc đua AI”, ông nói.
Ông Young-Sup Joo nhấn mạnh rằng chiến lược AI của Việt Nam phải đặt mục tiêu hướng đến phát triển con người và xã hội, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố công nghệ. AI không nên là công cụ độc quyền của các tập đoàn lớn, mà cần trở thành một nền tảng mở để các doanh nghiệp, startup và nhà nghiên cứu có thể khai thác tiềm năng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách rõ ràng về phát triển AI, đảm bảo rằng AI sẽ phải mạnh mẽ hơn, thân thiện với môi trường và dễ tiếp cận với tất cả mọi người.
Trong đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, theo ông Young-Sup Joo, cần có sự hiện diện của mảng đào tạo nghề, để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, nếu Việt Nam muốn phát triển lĩnh vực đóng gói bán dẫn, thì cần xác định rõ hướng đi cụ thể để xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp. Trong khi đó, giáo dục bậc cao lại là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi nhiều năm để đào tạo và phát triển đội ngũ kỹ sư có chuyên môn cao. Do đó, khoảng thời gian cần thiết để phát triển nhân lực trình độ cao và nhân lực trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo có sự khác biệt rõ rệt.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: đâu là thay đổi quan trọng nhất cần xảy ra trong 5 năm tới để đảm bảo khả năng phục hồi và phát triển bền vững của ngành bán dẫn trong kỷ nguyên AI? Các chuyên gia cho rằng, đây là một thách thức lớn, đòi hỏi sự kết hợp giữa đầu tư công nghệ, phát triển nhân lực và đổi mới chính sách để tạo ra một hệ sinh thái bền vững cho ngành công nghiệp cốt lõi này.
Bảo Thoa
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/cuoc-dua-ai-can-chinh-sach-phat-trien-nguon-nhan-luc-187136.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này