Nhiều khó khăn, thách thức trong phòng chống bệnh lao

17:08 | 24/03/2025
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống bệnh lao, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong khi đó, nguồn lực tài chính, đặc biệt ngân sách quốc tế có xu hướng giảm dần, khiến công tác phòng chống bệnh lao gặp không ít khó khăn.
Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh lao Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao

Gánh nặng từ bệnh lao

Những năm qua Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống lao, được thể hiện thông qua sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lao với nhiều chính sách và hành động cụ thể.

Nhiều khó khăn, thách thức trong phòng chống bệnh lao
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Định Văn Lượng phát biểu bên lề Lễ kỷ niệm.

Đặc biệt, Công điện số 25/CĐ - TTg của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống lao ngày 25/3/2024 đã đẩy mạnh hoạt động phòng chống lao với những kết quả bước đầu rất tích cực trong năm qua.

Sau khi Công điện của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai Công điện số 25/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Sơ kết công tác phòng chống lao 6 tháng đầu năm 2024; triển khai hoạt động đánh giá và chuẩn bị cho Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Đồng thời, Bệnh viện đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai các hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao và các bệnh hô hấp tại cộng đồng và các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc. Truyền thông hiệu quả huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức dân sự xã hội,... tăng cường công tác phòng chống lao, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh, tăng cường tiếp cận của người dân với các cơ sở y tế.

Năm 2024, CTCLQG đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay, với số bệnh nhân lao được phát hiện và thu nhận vào điều trị là hơn 113 nghìn ca bệnh (tăng 7% so với năm 2023), tỷ lệ lao có bằng chứng vi khuẩn là trên 72%, tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 89% (cao hơn tỷ lệ này trên toàn cẩu ở mức 88%).

Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hằng năm.

Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao, do Bệnh viện Phổi Trung ương, CTCLQG tổ chức sáng 23/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá: Mặc dù đã có những thành tựu nhất định, song công tác phòng chống lao tại nước ta vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện chủ động trong nhóm nguy cơ cao chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học vẫn thấp hơn chỉ tiêu mong muốn.

Nguồn lực tài chính, đặc biệt từ ngân sách quốc tế đang có xu hướng giảm dần; việc đảm bảo thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn gặp khó khăn do thủ tục phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát hiện và điều trị bệnh.

Công tác kiểm soát lao phải gắn với cơ sở khám chữa bệnh

Trước khó khăn trong công tác phòng chống lao, chia sẻ bên lề Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành CTCLQG cho hay, mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để bảo đảm nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao từ Trung ương đến địa phương.

Nhiều khó khăn, thách thức trong phòng chống bệnh lao
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương thăm, khám cho bệnh nhân lao.

Do đó, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất cần phải đưa chương trình đào tạo về bệnh lao là một phần nội dung bắt buộc trong các trường đào tạo nhân lực y khoa, để các thầy thuốc có sẵn kiến thức về bệnh lao trong quá trình hành nghề.

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, công tác kiểm soát lao phải gắn với cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế phải sàng lọc lao lồng ghép trong khám chữa bệnh thường quy, gắn thông tin sàng lọc lao vào sổ sức khỏe điện tử.

Để phát hiện bệnh sớm từ tuyến y tế cơ sở, các địa phương cần nâng cao chất lượng mạng lưới chẩn đoán lao bằng sử dụng rộng rãi xét nghiệm Xpert; phối hợp với các đối tác tăng cường mở rộng sàng lọc phát hiện bệnh lao trong khu vực trại giam, khu công nghiệp/khu chế xuất và các cơ sở y tế tư nhân.

"Hiện cả nước có 20 triệu hồ sơ bệnh án điện tử, và con số này sẽ lên cao nữa. Khi hồ sơ bệnh án điện tử kiểm soát lao, thì tôi nghĩ công tác phòng, chống lao sẽ hiệu quả", Tiến sĩ Đinh Văn Lượng đề nghị.

Để công tác phòng chống lao hiệu quả hơn nữa, CTCLQG xin được đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu cho phép các dự án do các chính phủ, tổ chức quốc tế viện trợ không hoàn lại được tổ chức, thực hiện theo cơ chế đặc thù.

Để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng chống lao, cần tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế, vì các nguồn viện trợ quốc tế đang giảm dần, và sẽ không còn nữa. "Theo WHO, mỗi một đô la đầu tư cho công tác phòng chống lao sẽ thu lại 39 đô la cho nền kinh tế" - Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho biết.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng bày tỏ tin tưởng, năm 2025, với việc triển khai mạnh mẽ Công điện của Thủ tướng và kiểm soát lao tại y tế cơ sở, hy vọng số bệnh nhân phát hiện được có thể lên tới 70%. Với sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, cùng với các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao sớm hơn so với mục tiêu toàn cầu vào năm 2035.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này