Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể: Kinh nghiệm từ Công đoàn quận Long Biên

20:42 | 16/03/2025
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên (thành phố Hà Nội), một bản Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; được coi là “chìa khóa” giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp.
LĐLĐ quận Long Biên triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong tình hình mới Nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Nhiều đơn vị chưa thực sự coi trọng

Chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14/3, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc nâng cao chất lượng đàm phán, thương lượng và ký kết TƯLĐTT là vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và bền vững giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể: Kinh nghiệm từ Công đoàn quận Long Biên
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Nguyễn Trường Giang chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong tình hình mới. Ảnh: B.Duy.

Hiệu quả đem lại rất lớn như vậy, tuy nhiên trên thực tế, theo ông Giang, việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, coi trọng; vẫn còn một số ký kết mang tính hình thức. “Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến tiền lương, thưởng, chính sách đãi ngộ…”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên chia sẻ.

Tại quận Long Biên, thực tế triển khai cho thấy, vẫn còn 12 doanh nghiệp chưa xây dựng được TƯLĐTT; có nơi bản TƯLĐTT chủ yếu sao chép lại quy định của luật, có ít điều khoản có lợi hơn cho người lao động; nhiều nơi người lao động chưa thực sự mặn mà, quan tâm tới vấn đề này.

Qua tìm hiểu, phân tích, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do những nội dung đưa vào TƯLĐTT liên quan trực tiếp đến nguồn tài chính của chủ sử dụng lao động. Trong khi đó, Bộ luật Lao động chỉ quy định bắt buộc thương lượng mà không bắt buộc ký kết TƯLĐTT.

Về phía Công đoàn cơ sở, một số Công đoàn cơ sở chưa tích cực, chưa chủ động thương lượng để ký TƯLĐTT, hoặc còn thiếu kỹ năng trong thương lượng với chủ doanh nghiệp, hạn chế về kiến thức pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, nên TƯLĐTT chưa mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động. Hơn nữa, cán bộ Công đoàn cơ sở đều kiêm nhiệm, hưởng lương trực tiếp từ chủ doanh nghiệp nên còn ngại va chạm với người sử dụng lao động.

Về phía bản thân người lao động, theo ông Giang vẫn còn một bộ phận người lao động có tư tưởng làm công hưởng lương, chưa nghiên cứu những quy định liên quan tới bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nên thiếu kiến thức trong việc tham gia ý kiến vào bản TƯLĐTT.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ Công đoàn cơ sở

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả đàm phán, thương lượng và ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp, thời gian qua, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ Công đoàn cơ sở. Trong đó ưu tiên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động về TƯLĐTT. Đi liền với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ Liên đoàn Lao động quận trong đôn đốc, hướng dẫn đàm phán, thương lượng, ký kết TƯLĐTT gắn với đánh giá thi đua hằng tháng và xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể: Kinh nghiệm từ Công đoàn quận Long Biên
Liên đoàn Lao động quận Long Biên chú trọng tổ chức các buổi Tọa đàm, Hội thảo nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn. Ảnh: B.Duy.

Liên đoàn Lao động quận cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ Công đoàn, rèn luyện kỹ năng đối thoại, đàm phán, thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Tổ chức các buổi Tọa đàm, Hội thảo nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Quá trình thương lượng, hướng dẫn Công đoàn cơ sở tập trung vào TƯLĐTT đang có để hưởng dẫn sửa đổi, bổ sung và nâng cao lợi ích cho người lao động và chất lượng TƯLĐTT. Đồng thời xây dựng quy trình về tổ chức đối thoại, đàm phán, thương lượng và ký kết TƯLĐTT ngắn gọn, dễ hiểu, đặc biệt kèm theo đầy đủ các biểu mẫu để Công đoàn cơ sở dễ áp dụng, triển khai.

Song song với việc đàm phán, ký mới, Liên đoàn Lao động quận chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp... đảm bảo có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động quận cũng có chính sách hỗ trợ kinh phí cho những bản TƯLĐTT đạt chất lượng tốt (loại A, B); qua đó khuyến khích các Công đoàn cơ sở triển khai.

Với sự vào cuộc trách nhiệm, chủ động, tích cực của cán bộ Công đoàn các cấp, đến nay, trên địa bàn quận Long Biên đã có 235/247 doanh nghiệp có TƯLĐTT (đạt 95,14%). Riêng năm 2024, trên địa bàn quận có 166 bản TƯLĐTT được ký kết, trong đó ký lại là 97 bản và ký mới là 69 bản. Hầu hết các bản TƯLĐTT đều có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, ăn ca, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, tham quan, nghỉ mát...

Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể: Kinh nghiệm từ Công đoàn quận Long Biên
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Long Biên chủ động đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho cán bộ Công đoàn cơ sở trong quá trình triển khai thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Ảnh: B.Duy.

Đáng chú ý, kết quả chấm điểm TƯLĐTT đạt loại A, B là 69,78%, trong đó: loại A 107 bản, loại B 57 bản, loại C 55 bản, loại D 16 bản. Đặc biệt, tại 2 Công ty chưa có tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã đại diện tập thể người lao động lấy ý kiến của người lao động trong doanh nghiệp, tổng hợp ý kiến và tham gia bằng văn bản về Nội quy lao động theo quy định, thành lập tổ thương lượng tập thể thương lượng với người sử dụng lao động tại các công ty về những điều khoản có lợi hơn cho người lao động và đại diện người lao động tổ chức ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động tại đơn vị.

“Thông qua hoạt động trên, uy tín của tổ chức Công đoàn với người lao động tại doanh nghiệp và tại địa phương được nâng cao, quyền lợi của người lao động được đảm bảo”, ông Nguyễn Trường Giang vui mừng chia sẻ.

Để công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại cơ sở được triển khai hiệu quả, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Nguyễn Trường Giang đề xuất: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định việc ký kết TƯLĐTT tập thể là hình thức bắt buộc (hiện nay mới bắt buộc việc thương lượng). Cùng đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, đào tạo chuyên sâu về thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn cơ sở.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này