Đẩy mạnh xử lý nhà đất dôi dư

10:23 | 16/03/2025
Theo thống kê đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đánh giá xác định nguyên nhân trong việc để các cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.
Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc Các dự án tỷ đô làm “nóng” thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội Bộ Tài chính vẫn tính đến phương án đánh thuế bất động sản thứ hai

Liên quan đến chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, trên cơ sở tổng hợp từ các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, các tài sản công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, trong đó tập trung vào khối nhà đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Trong đó có 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà, đất chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

Đẩy mạnh xử lý nhà đất dôi dư
(Ảnh minh họa: BT)

Ngày 11/3/2025, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản về đẩy mạnh việc rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, trong đó đề nghị các Bộ ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt.

Cụ thể các Bộ ngành, địa phương có nhà đất dôi dư phải xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý tài sản dôi dư. Mặt khác, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải cập nhật thường xuyên các cơ sở nhà đất phát sinh mới vào kế hoạch.

Trong kế hoạch đó, đề nghị các Bộ ngành, địa phương xác định rõ nội dung công việc, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong từng khâu. Bên cạnh đó ấn định tiến độ thực hiện.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đánh giá xác định nguyên nhân trong việc để các cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Xác định cụ thể nguyên nhân của từng cơ sở chưa thể xử lý được do cơ chế chính sách hay do khâu tổ chức thực hiện, công tác quy hoạch… từ nguyên nhân đó để kiến nghị, tìm ra giải pháp cụ thể.

Các Bộ ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với trường hợp chậm, không thực hiện theo đúng kế hoạch và đề nghị các Bộ ngành, địa phương trước ngày 5/4/2025 có báo cáo về Bộ Tài chính bước 1.

Sau này, sẽ báo cáo định kỳ hằng quý để có giải pháp hướng dẫn bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, để giải quyết dứt điểm các vấn đề về nhà đất dôi dư.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này