Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin sởi

21:05 | 15/03/2025
Theo các chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh sởi vẫn ở mức cao và có nguy cơ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tiến độ tiêm vắc xin còn chậm. Chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền của dịch bệnh khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Hà Nội ghi nhận thêm 88 trường hợp mắc sởi Gia tăng ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội Hà Nội ghi nhận thêm 120 trường hợp mắc sởi

Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), trong năm 2024, cả nước ghi nhận gần 46 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.838 trường hợp dương tính và 18 ca tử vong liên quan đến sởi.

Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin sởi
Tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi cho trẻ em.

Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 39 nghìn trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 3.447 trường hợp dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố và 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại 4 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.

So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc sởi thời điểm hiện tại tăng khoảng 30 lần. Số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (chiếm 57%), miền Trung (chiếm 19,2%), miền Bắc (chiếm 15,1%), Tây Nguyên (8,7%).

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi do Bộ Y tế tổ chức chiều 15/3, Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho rằng, nguyên nhân gia tăng dịch bệnh sởi là do trong thời gian Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp. Nhiều tỉnh, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng các bệnh chỉ đạt từ 40%-50%. Ngoài ra, có hiện trạng “anti vắc xin” gia tăng. Cùng với đó, trẻ ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng còn khó khăn.

Cũng liên quan đến vai trò của tiêm vắc xin phòng sởi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn - chuyên Khoa Vi sinh, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, vi rút sởi có đặc điểm gây tình trạng ức chế miễn dịch rất mạnh mẽ với cơ thể bị nhiễm. Người mắc sởi có tỷ lệ biến chứng cao về hô hấp, não, cơ tim và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Chính vì vậy, vắc xin sởi được các quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đưa vào tiêm chủng mở rộng ở cấp độ toàn cầu.

Khi tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam bắt đầu triển khai (từ năm 1985) thì tỷ lệ mắc sởi ở trẻ em giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiễm sởi quay trở lại, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn, có nhiều trường hợp rất nặng và nghiêm trọng ở người lớn. Lý do là một số người không tiêm hoặc tiêm không đủ liều; mẹ không tiêm dẫn đến con sinh ra không có miễn dịch nên dễ mắc sởi và mắc sớm.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc sởi chủ yếu là trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (chiếm 72%). Thống kê cho thấy, số trẻ nam mắc cao hơn so với nữ. Trước đây, độ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời gian qua ghi nhận nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh. Do đó, cả nước đã mở rộng lứa tuổi tiêm chủng từ 6 - 9 tháng tuổi. Hiện 32 tỉnh, thành phố bảo đảm đủ vắc xin sởi tiêm cho các đối tượng mở rộng này.

Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Đây cũng là bệnh từng xảy ra những đợt dịch lớn, theo chu kỳ khoảng 5 năm do sự tích lũy các đối tượng chưa có miễn dịch trong cộng đồng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

"Đáng lo ngại, bệnh sởi đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng và có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn Covid-19. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%”, ông Hoàng Minh Đức thông tin thêm.

Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát cần bao phủ vắc xin từ trên 95% với 2 liều vắc xin phòng sởi trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Đức, tốc độ tiêm chủng chậm hơn tốc độ của dịch. Hiện, có 7-8 tỉnh mới phê duyệt kế hoạch tiêm chủng. Trong khi vắc xin phòng bệnh sởi đã có. Do đó, các địa phương cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho rằng, các địa phương cần quản lý 2 đối tượng, đó là đối tượng chưa tiêm và khó tiêm ở vùng sâu, vùng xa. Để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% cần phải rà soát tỷ lệ tiêm chủng đến từng xã, phường, tránh bỏ lọt đối tượng.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Đặc biệt, đối với phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi - quai bị - rubella trước khi mang thai 3 tháng, để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này