Độc đáo mô hình Lăng Bác từ oản nghệ thuật

19:20 | 15/03/2025
Tại Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” năm 2025, nhóm trẻ khuyết tật và tự kỷ tại Hà Nội đã thực hiện mô hình Lăng Bác từ oản truyền thống. Mô hình này không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang một thông điệp mạnh mẽ về sự hòa nhập và vươn lên của những người khuyết tật trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi người đều có thể cống hiến và tạo ra giá trị.
Độc đáo “làng bách nghệ” Chàng Sơn Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Lời Người để lại” Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tuổi thơ của người Việt chắc hẳn ai cũng gắn bó với món bánh khảo, hay còn gọi là “oản”. Oản không thể thiếu trong những ngày lễ, cũng là một món bánh dâng cúng lễ chùa, lễ đền và dâng lễ trên bàn thờ gia tiên.

Trước kia, oản đơn thuần chỉ có màu trắng, được bọc trong giấy bóng kính màu vàng, đỏ, có hình tòa tháp hay chiếc chuông. Sau này, người ta có thể trang trí màu thực phẩm trực tiếp lên oản để oản có nhiều màu sắc hơn.

Độc đáo mô hình Lăng Bác từ oản nghệ thuật
Mô hình Lăng Bác được sáng tạo từ oản qua bàn tay khéo léo của người khuyết tật, tự kỷ.

Theo thời gian, oản được sáng tạo thành nhiều hình dáng, nhưng để “xây” thành những “tòa tháp” tinh xảo và đồ sộ thì chắc hẳn phải có sức sáng tạo vô cùng công phu. Những người khuyết tật đã làm nên những tác phẩm khiến nhiều người trầm trồ, kinh ngạc.

Chia sẻ về công đoạn thực hiện, cô giáo Nguyễn Thị Phương Oanh (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân) cho biết, mô hình được sử dụng oản nghệ thuật để ghép thành các phần của công trình, như cửa chính, cột trụ, bậc thang... Sau đó được lắp ráp và trang trí, ghép các chi tiết với độ chính xác cao, đảm bảo tính thẩm mỹ và sự chắc chắn của mô hình.

“Được sự hướng dẫn của các cô giáo tại Trung tâm Ngọc Ân, chúng em đã nghiên cứu thực tế và mô phỏng chi tiết Lăng Bác theo tỷ lệ phù hợp để thiết kế mô hình. Mô hình từ oản nghệ thuật là sự kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, giữa lòng kính trọng đối với lịch sử và khát vọng vươn lên của con người trong kỷ nguyên đổi mới.

Đây là một minh chứng cho sức mạnh tinh thần, sự sáng tạo và khả năng vượt qua mọi thử thách của người khuyết tật Việt Nam, trong hành trình xây dựng một tương lai tươi sáng hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Phương Oanh chia sẻ.

Độc đáo mô hình Lăng Bác từ oản nghệ thuật
Gian hàng được trao chứng nhận tham gia Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” năm 2025.

Chị Đào Thanh Hoàn, nhà sáng lập Ngọc Ân cho biết, đây là mô hình do người khuyết tật thiết kế, hướng tới việc tái hiện hình ảnh Lăng Bác qua những chiếc oản được chế tác tỉ mỉ, tạo nên một công trình vừa trang nghiêm, vừa giàu giá trị thẩm mỹ.

Mô hình này không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn mang một thông điệp mạnh mẽ về sự hòa nhập và vươn lên. Nó thể hiện sự tự tin của những người khuyết tật trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi người đều có thể cống hiến và tạo ra giá trị.

Oản, một nguyên liệu truyền thống gắn liền với văn hóa dân gian của người Việt. Oản nghệ thuật không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân khuyết tật biến hóa thành một sản phẩm nghệ thuật vô cùng đặc biệt. Dù phải đối mặt với thử thách của số phận, nhưng những người nghệ nhân này đã vượt qua giới hạn của bản thân, thể hiện tinh thần sáng tạo qua từng chi tiết tỉ mỉ, tinh xảo của mô hình.

Độc đáo mô hình Lăng Bác từ oản nghệ thuật
Du khách "check-in" gian hàng gồm các sản phẩm oản nghệ thuật của Ngọc Ân.

Hơn thế, sản phẩm còn góp phần giáo dục lịch sử, quảng bá văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra một tác phẩm có thể trưng bày tại các triển lãm, sự kiện văn hóa hoặc làm quà tặng ý nghĩa.

Chị Đào Thanh Hoàn cũng cho biết, hướng nghiệp, dạy nghề cho người khuyết tật là việc làm thiết thực, giúp người khuyết tật phát huy được hết năng lực bản thân, tạo nên giá trị riêng, tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân, trở thành người có ích đóng góp cho xã hội.

Trong những năm qua, Ngọc Ân đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho rất nhiều học viên khuyết tật. Trung tâm không chỉ thực hiện giáo dục chuyên biệt, nơi mỗi học viên được xây dựng kế hoạch học tập riêng, mà còn áp dụng các mô hình đào tạo nghề để khơi dậy khả năng sáng tạo của những người yếu thế.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này