Bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao Sẽ không còn chuyện nghe cuộc gọi lạ nói vanh vách đời tư, công việc của mình |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản luật nào quy định vấn đề này.
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, quan hệ của đời sống, xã hội, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp năm 2013, cùng các quy định liên quan tới “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư” được nêu trong một số văn bản Luật hiện hành.
![]() |
Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội |
Đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường truyền thống, qua rà soát pháp luật cho thấy việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường truyền thống, bao gồm dữ liệu cá nhân trong các tài liệu, hồ sơ, bệnh án ở trên giấy đang chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào, đặc biệt là thiếu vắng các quy định chi tiết và chỉ rõ các biện pháp bảo vệ quyền của chủ thể dữ liệu.
Các quy định pháp luật hiện đang có hiệu lực, sau khi đã loại trừ các văn bản tập trung vào đối tượng là dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, mới chỉ có quy định chung về bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình, thông tin về đời sống riêng tư không kể hình thức chứa đựng thông tin là trên các phương tiện điện tử hay hồ sơ giấy…
Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội |
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thống nhất.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới, việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo Luật bảo đảm ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội. Đối với những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cơ bản không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết...
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, bổ sung làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý liên quan trực tiếp đến lĩnh vực dữ liệu cá nhân; bổ sung báo cáo đánh giá tác động, nhất là về ngân sách, chi phí tuân thủ và kết quả 2 năm thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo tính thống nhất, tương thích. Bổ sung, làm rõ hơn các quy định về hành vi nghiêm cấm, mã hóa, giải mã dữ liệu, chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.
Rà soát, điều chỉnh các quy định về kinh doanh có điều kiện liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất, tương thích với các Bộ luật, luật khác...
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/xay-dung-luat-de-ngan-chan-cac-hanh-vi-xam-pham-du-lieu-ca-nhan-186337.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này