Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Đừng để "đóng băng" trong bảo tàng

07:31 | 11/03/2025
Trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Rõ ràng, bảo tồn không phải là “đóng băng” nghệ thuật truyền thống mà là tạo điều kiện để chúng tiếp tục sống trong lòng xã hội đương đại.
“Giữ lửa” nghệ thuật truyền thống Giới trẻ trải nghiệm hát Chèo, Xẩm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Hiện nay, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối, ca trù, quan họ và nhiều loại hình khác đã tồn tại hàng trăm năm và được công nhận là di sản văn hóa quý giá, nhưng hiện nay vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng hoặc thậm chí biến mất.Khán giả theo dõi các loại hình này so với các loại hình nghệ thuật đương đại ngày càng thưa thớt. Các nghệ sĩ, nghệ nhân không thể sống được bằng nghề, dẫn đến việc họ phải chuyển sang những công việc khác để mưu sinh. Không gian và cơ sở để hoạt động nghề nghiệp chuyên môn cũng ngày càng bị thu hẹp.

Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Đừng để
Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế” do Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: "Nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ "tha hóa" dưới áp lực thương mại hóa. Nhiều giá trị tinh túy cốt lõi đang bị bỏ qua để theo đuổi mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, chúng ta có nguy cơ sở hữu những sản phẩm nghệ thuật mang tên gọi truyền thống nhưng đã bị biến đổi về bản chất".

Tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô và giảm về chất lượng. Nhiều ngành, chuyên ngành thậm chí không tuyển được học sinh, sinh viên. Điều này dẫn đến việc nhiều kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp truyền thống có nguy cơ thất truyền khi thế hệ nghệ nhân cao tuổi qua đời.

Mặt trái của kinh tế thị trường cũng đã khiến nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống rơi vào tình trạng "thương mại hóa" quá mức. Để thu hút khán giả và phục vụ khách du lịch, nhiều tiết mục biểu diễn đã bị cắt xén, đơn giản hóa, thậm chí biến dạng so với nguyên gốc. Điều này vô tình làm sai lệch bản chất và giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, nhưng trong thực tế, việc triển khai còn nhiều bất cập. Chính sách hiện nay còn thiếu vắng những giải pháp đầu tư phát triển công chúng cho nghệ thuật truyền thống. Chế độ, chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ và lớp trẻ còn hạn chế, không đủ để thu hút và giữ chân họ với nghề.

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện giải trí hiện đại đã tạo ra nhiều lựa chọn giải trí đa dạng và hấp dẫn hơn cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Âm nhạc hiện đại, phim ảnh, trò chơi điện tử và mạng xã hội đã chiếm lĩnh thời gian và sự quan tâm của đại đa số người dân. Còn nghệ thuật truyền thống với ngôn ngữ nghệ thuật và cách thể hiện đặc thù thường đòi hỏi người xem phải có hiểu biết nhất định về văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ truyền thống mới có thể cảm nhận và đánh giá đúng giá trị.

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sáng tạo. Trong đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Chính sách này phải bao gồm các ưu đãi thỏa đáng cho nghệ sĩ, nghệ nhân; đầu tư phát triển công chúng và hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, truyền dạy.Đặc biệt, cần có chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Các trường nghệ thuật cần được đầu tư đúng mức để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, công nghệ số cần được ứng dụng trong việc lưu trữ, ghi chép và truyền dạy nghệ thuật truyền thống. Các nền tảng trực tuyến, ứng dụng di động, thực tế ảo và thực tế tăng cường có thể giúp đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.ThS Trần Văn Hiếu - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất: "Công nghệ số mở ra cơ hội chưa từng có để bảo tồn và phổ biến nghệ thuật truyền thống. Chúng ta có thể xây dựng thư viện số 3D để lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể, phát triển các ứng dụng tương tác cho phép người dùng trải nghiệm và học hỏi về nghệ thuật truyền thống, và tận dụng mạng xã hội để lan tỏa giá trị văn hóa đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ Z vốn quen thuộc với môi trường số".

Để nghệ thuật truyền thống có thể tồn tại và phát triển trong thời đại mới, cần có sự kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và yếu tố hiện đại. Điều này không có nghĩa là làm sai lệch bản chất của nghệ thuật truyền thống, mà là tìm cách thể hiện chúng phù hợp hơn với thị hiếu và nhận thức của công chúng đương đại.

Nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Để vượt qua thách thức này, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng nghệ thuật và toàn xã hội. NSƯT Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, chia sẻ quan điểm: "Bảo tồn nghệ thuật truyền thống không phải là việc của riêng ngành văn hóa hay các nghệ sĩ, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Cần có cách tiếp cận tổng thể, từ giáo dục trong nhà trường đến truyền thông đại chúng, từ chính sách nhà nước đến hoạt động của các doanh nghiệp. Mỗi người dân cũng có thể góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng cách tìm hiểu, thưởng thức và chia sẻ giá trị của chúng".

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này