Chủ trương đột phá
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, trong đó chủ trương nghiên cứu, định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay và là một chủ trương đột phá.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích, cùng với cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy ở các bộ, ngành đang được thực hiện mạnh mẽ, việc không tổ chức cấp huyện và sáp nhập các đơn vị cấp xã thực hiện với tinh thần “tinh gọn để phát triển”, thể hiện sự quyết đoán, quyết liệt và quyết tâm của Đảng ta, nhận được sự đồng thuận từ Trung ương đến cơ sở.
Nêu kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, ông Dĩnh cho hay, mô hình chính quyền không có cấp trung gian là mô hình tiến bộ, được nhiều nơi áp dụng. Đó là mô hình gồm chính quyền Trung ương (quốc gia), chính quyền tỉnh (bang, khu vực) và chính quyền địa phương (cơ sở). Thực tế cho thấy, mô hình này mang lại nhiều lợi ích, như hiệu quả cao và phản ứng linh hoạt, trách nhiệm và dân chủ được tăng cường; phát triển khu vực một cách cân bằng; bảo tồn văn hóa - xã hội hiệu quả; tự chủ kinh tế được nâng cao...
“Thời gian qua, chúng ta đã triển khai việc sắp xếp ở thôn, tổ dân phố, xã/phường, quận/huyện; vừa rồi Trung ương đã làm, bộ, ngành cũng đã làm thì tất yếu phải tính đến sắp xếp lại cấp tỉnh, thành phố, huyện... để bảo đảm sự xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống hành chính”, ông Dĩnh nói.
![]() |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, định hướng bỏ cấp huyện, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp là chủ trương đột phá. |
Nêu nguyên lý mỗi quyết định đều mang tính thời điểm, đúng với thời kỳ nhất định, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lập luận, trước đây do hoàn cảnh lịch sử, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, giao thông, phương tiện đi lại, liên lạc hạn chế nên cần bố trí các cơ quan công quyền cấp trung gian. Thời điểm đó, cấp huyện được xem là cánh tay nối dài từ cấp tỉnh đến cơ sở và thực hiện hợp lý vai trò, sứ mệnh của mình. Tuy nhiên với mục tiêu đảm bảo hoạt động điều hành thông suốt, cấp huyện cũng có lúc làm tăng độ trễ trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kể là có thể tạo lực cản khi triển khai không kịp thời.
Thế nhưng hiện nay tình hình đã thay đổi, hạ tầng đường sá, phương tiện giao thông đã rất thuận tiện, ngay tại các tỉnh miền núi đã có đường liên tỉnh về huyện và các xã thuận lợi. Với sự phát triển của công nghệ thông tin chuyển đổi số có thể trực tuyến từ trên Trung ương xuống dưới từng chi bộ tại địa phương. Do đó vai trò cấp huyện hiện nay đã bị hạn chế.
“Việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, tinh gọn đơn vị hành chính cấp xã sẽ giúp khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân tán địa bàn và lĩnh vực tổ chức. Đồng thời, quá trình này sẽ giảm bớt các khâu trung gian cồng kềnh; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, ông Dĩnh nêu quan điểm.
Trước yêu cầu mới của cơ quan lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, khi bỏ chính quyền cấp huyện, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cấp tỉnh, cấp xã buộc phải có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện cao hơn hẳn hiện tại.
Với cấp xã, theo ông Dĩnh đây vốn là cấp cơ sở gần người dân nhất, cũng là cấp dưới cùng triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi bỏ cấp trung gian, theo ông Dĩnh cần thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền cho cấp xã theo hướng địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.
“Nhiệm vụ của cấp xã nặng nề hơn nên cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, con người nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cho cấp chính quyền cơ bản này”, ông Dĩnh nhấn mạnh.
Người dân được hưởng lợi nhất
Bên cạnh việc giảm bớt số lượng công chức cấp trung gian, giảm bớt gánh nặng ngân sách, việc không tổ chức chính quyền cấp quận, huyện còn phát huy tính tinh gọn, cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để. Nhờ đó, công việc được giải quyết nhanh chóng hơn, tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, hưởng lợi nhất là nhân dân, bởi mọi hoạt động của chính quyền là để phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
![]() |
Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. |
Theo ông Đặng Ngọc Oanh - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Quang Trung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định: Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với “điểm nhấn” là sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thực sự là một cuộc cách mạng.
Nhìn từ cơ sở, ông Oanh nhận thấy, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Không chỉ tiết kiệm được ngân sách, khi sáp nhập tỉnh, không gian phát triển của tỉnh mới sẽ được mở rộng hơn, khắc phục được tình trạng chia cắt. Khi không còn cấp huyện - cấp hành chính trung gian, mọi chủ trương, chính sách sẽ được triển khai nhanh chóng về cơ sở cùng nhiều lợi ích khác.
Khẳng định người dân sẽ được hưởng lợi từ việc tinh gọn bộ máy, ông Hoàng Văn Kỳ (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho rằng đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Người dân hoàn toàn ủng hộ, chủ trương này vì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, giúp quá trình quản lý Nhà nước thông suốt, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Chủ trương này là rất phù hợp, dân số nước ta ít, nhưng hiện tại bộ máy hành chính cấp huyện đang quá nhiều. Theo tôi, chủ trương này cần thực hiện nhanh như việc sắp xếp, sáp nhập các bộ ngành, trong vòng 2 tháng là bộ máy mới đã có thể đi vào hoạt động. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, bằng cách làm bài bản, phương pháp cụ thể tôi tin tưởng chủ trương này sẽ đạt kết quả đúng như sự kỳ vọng của người dân”, ông Kỳ bày tỏ.
Ông Lê Thanh Hộ (xã Thông Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cũng chia sẻ: “Tôi đọc thông tin thấy nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp có nói rằng, ở Việt Nam chúng ta cứ 10 người dân phải nuôi 1 cán bộ hưởng lương từ ngân sách, trong khi ở Nhật Bản 700 người dân nuôi 1 cán bộ hưởng lương từ ngân sách. Gánh nặng từ ngân sách chi cho bộ máy hành chính quá lớn, nhất là chi thường xuyên, đó là chưa kể đến các chi phí phi chính thức được hô biến nhằm hợp pháp hóa về mặt hồ sơ, chứng từ như tiếp khách, các khoản đối ngoại... Việc sắp xếp và cải cách bộ máy trúng, đúng và hợp lòng dân. Chúng tôi đồng tình và ủng hộ cao quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm và mong chờ những chuyển biến rõ nét từ cuộc cách mạng này”.
Lê Thắm
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/tinh-gon-bo-may-mang-lai-loi-ich-cho-nguoi-dan-thuc-day-tang-truong-kinh-te-186103.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này