Sẽ không còn chuyện nghe cuộc gọi lạ nói vanh vách đời tư, công việc của mình

20:02 | 06/03/2025
Bộ Công an chỉ ra thực trạng, nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Thậm chí, nhiều chủ thể dữ liệu không biết tại sao các công ty này lại có dữ liệu của mình. Vì vậy, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết. Tới đây, việc xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng; dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết; dữ liệu cá nhân của trẻ em cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
Tạo hành lang pháp lý cho sử dụng, bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chính phủ vừa cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thống nhất sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

Sẽ không còn chuyện nghe cuộc gọi lạ nói vanh vách đời tư, công việc của mình
Nhiều cá nhân, tổ chức không khỏi bất ngờ bởi cuộc gọi lạ nhưng lại nói toàn thông tin rất quen về đời tư, công việc. (Ảnh minh hoạ)

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của thành viên Chính phủ, kết luận của Chính phủ để hoàn thiện dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm yêu cầu sau:

Đây là dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, cần bổ sung quy định cho phép áp dụng các quy định tại các luật chuyên ngành đang quy định mức độ bảo vệ dữ liệu cá nhân cao hơn Luật này; Các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong dự thảo Luật phải bảo đảm chặt chẽ, vừa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, vừa thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý, điều hành, phù hợp với từng thời kỳ;

Bảo đảm các quy định trong dự thảo luật bao quát, bảo vệ được tàon bộ dữ liệu cá nhân của công dân cả trên môi trường điện tử và môi trường làm việc truyền thống.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2025.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc quản lý dữ liệu cá nhân được thực hiện theo Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo Bộ Công an, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó, đơn vị thu thập không xác định được dữ liệu cá nhân được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì, chuyển giao cho ai, tác động thế nào.

Nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Thậm chí, nhiều chủ thể dữ liệu không biết tại sao các công ty này lại có dữ liệu của mình. Vì vậy, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết.

Phát biểu tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/12/2024, Thứ trưởng Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực bảo vệ; sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Trong đó, chính sách nổi bật là cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, gồm quyền được biết; đồng ý và rút lại sự đồng ý; quyền xóa dữ liệu; quyền hạn chế xử lý dữ liệu; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; quyền tự bảo vệ. Ngoài ra, Luật cũng cụ thể hóa biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, quy định một số trường hợp đặc biệt.

Việc xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng; dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết; dữ liệu cá nhân của trẻ em cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2025.

Khắc Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này