Làm rõ chế độ với người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp

20:05 | 06/03/2025
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng nghiên cứu bổ sung quy định về: Trưng dụng các công trình trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; Chế độ chính sách đối với người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp; Tình trạng khẩn cấp về sự cố bức xạ, hạt nhân… để hoàn thiện dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.
Đối thoại “Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động” Chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025. Theo đó, Chính phủ đã cho ý kiến về 7 dự án luật, trong đó có Luật Tình trạng khẩn cấp.

Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát dự thảo Luật, bảo đảm phân định rõ tình trạng khẩn cấp với các cấp độ phòng thủ dân sự; tăng cường phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc "ai rõ việc, hiểu việc nhất thì giao", xác định rõ thẩm quyền để xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra gắn với yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp; tiết giảm tối đa thủ tục hành chính có trong dự thảo Luật để bảo đảm sự linh hoạt, hiệu quả trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Làm rõ chế độ với người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm nghiên cứu bổ sung quy định về trưng dụng các công trình trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. (Ảnh:K.H)

Nghiên cứu bổ sung quy định về: Trưng dụng các công trình trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh; Chế độ chính sách đối với người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp; Duy trì hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong tình trạng khẩn cấp; Tình trạng khẩn cấp về sự cố bức xạ, hạt nhân; Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về sự cố bức xạ, hạt nhân.

Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp là sự kế thừa của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp đã có hiệu lực thi hành suốt 25 năm qua, nhiều quy định của pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, trong đó có những quy định liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, đồng thời phát sinh các yếu tố an ninh phi truyền thống.

Trước đó, thay mặt Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam có Tờ trình Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp nêu bật sự cần thiết ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp.

Tờ trình cũng nêu rõ, mục đích của việc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý cho thi hành pháp luật, nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước và nhân dân, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV vào tháng 5/2025.

Khắc Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này