Xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ của Việt Nam

16:41 | 06/03/2025
Việc không tổ chức cấp huyện trong hệ thống hành chính địa phương ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là bãi bỏ đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện rồi sáp nhập các xã lại với nhau.
Quận Tây Hồ sắp xếp, tinh gọn, phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Tập trung tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, chuẩn bị sắp xếp địa giới hành chính

Xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đổi mới tư duy xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", do Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/3.

Ngày 14/2/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, ngày 28/2/2025 Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong đó nhấn mạnh về tổ chức bộ máy nhà nước: Tiếp tục sắp xếp, xây dựng đề án bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các cơ chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả.

Xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ của Việt Nam
PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo PGS.TS Tô Văn Hòa, hai nội dung trên đây là những vấn đề căn bản của tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) cũng như mối quan hệ giữa các cấp trong hệ thống hành chính nhà nước, do Hiến pháp điều chỉnh. Chính vì vậy, việc đặt vấn đề nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là hết sức cấp thiết.

Tuy nhiên, Hiến pháp là đạo luật gốc, có hiệu lực tối cao, điều chỉnh những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, qua đó quy định những nguyên tắc khái quát nhất, căn cốt nhất của hệ thống chính trị, trực tiếp là tổ chức bộ máy nhà nước. Các điều khoản của Hiến pháp có tính khái quát cao và tác động bao trùm hệ thống pháp luật. Quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thực hiện theo thủ tục chặt chẽ với sự tham gia rộng rãi.

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này đòi hỏi hết sức khẩn trương song cũng phải được nghiên cứu kỹ, làm rõ những vấn đề nguyên lý, có cơ sở lý luận vững chắc. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung không chỉ bó hẹp trong câu từ của Hiến pháp mà phải có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn để làm rõ phương hướng, nội dung cần thể chế hóa trong các đạo luật có liên quan.

Qua nghiên cứu, rà soát ban đầu, PGS.TS Tô Văn Hòa cho rằng, có thể thấy hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cần tập trung vào các quy định về CQĐP nhằm hiến định việc không tổ chức chính quyền trung gian (cấp huyện) và các quy định cơ bản nhất về hệ thống chính trị.

Việc không tổ chức cấp huyện trong hệ thống hành chính địa phương ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là bãi bỏ ĐVHC cấp huyện rồi sáp nhập các xã lại với nhau. Để bảo đảm ổn định, thông suốt trong công tác hành chính ở địa phương, đặc biệt là dịch vụ công phục vụ nhân dân, chủ trương này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cảnh đối với hệ thống hành chính địa phương, đặt ra yêu cầu xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ của Việt Nam”, ông Hòa nói.

ĐVHC sẽ có hai cấp

Trên cơ sở phân tích về “ĐVHC” và khái niệm “ĐVHC chuyên biệt”, PGS.TS Tô Văn Hòa cho rằng, có thể xác định về phương diện ĐVHC sẽ có hai cấp: Cấp tỉnh, bao gồm các tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương; cấp cơ sở (dưới cấp tỉnh, có thể gọi là “cấp xã” hay “cấp cơ sở”), bao gồm các ĐVHC gần dân nhất, tức là các xã và các khu vực đô thị tập trung (có thể gọi là thành phố, được phân loại thành các nhóm tùy theo quy mô và trình độ phát triển).

Xem xét thiết kế tổng thể hệ thống hành chính lãnh thổ của Việt Nam
Các đại biểu dự hội thảo.

Như vậy, việc thực hiện chủ trương bỏ ĐVHC cấp huyện sẽ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiến pháp. Cụ thể, đối với Điều 110 về các ĐVHC ở Việt Nam có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định Nước CHXHCN Việt Nam gồm các ĐVHC và các ĐVHC chuyên biệt.

Đồng thời, quy định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC và ĐVHC chuyên biệt được thực hiện theo quy định của luật. Việc phân chia, điều chỉnh ranh giới của các ĐVHC, ĐVHC chuyên biệt là vấn đề tổ thức hoạt động hành chính nhà nước và cần sự thích ứng cao với tình hình thực tiễn ở từng giai đoạn.

Vì vậy quy định trình tự thủ tục trong luật là phù hợp, vừa bảo đảm dân chủ vừa tạo độ linh hoạt cần thiết phù hợp với sự đa dạng của các loại hình ĐVHC và ĐVHC chuyên biệt.

Đối với Điều 111 về tổ chức CQĐP có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tại các ĐVHC đều thành lập CQĐP gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Không phân biệt giữa CQĐP và “cấp CQĐP” bởi vì đã là CQĐP là phải có cơ cấu đầy đủ HĐND và UBND.

Quy định tại các ĐVHC chuyên biệt không thành lập CQĐP mà có thể thành lập các cơ chế quản lý hành chính phù hợp với mục đích thành lập ĐVHC chuyên biệt đó theo quy định của luật.

Cũng theo PGS.TS Tô Văn Hòa, Chương I của Hiến pháp năm 2013 có vai trò đặc biệt quan trọng, quy định những nguyên tắc nền tảng nhất của chế độ chính trị Việt Nam. Đây là chương xác lập chủ quyền quốc gia, bản chất của chế độ, hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các yếu tố nhận diện quốc gia, đồng thời định hình cấu trúc tổng thể của hệ thống chính trị.

Về hệ thống chính trị, Hiến pháp chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, như cấu trúc hệ thống, các thành tố cấu thành, vị trí vai trò của từng thành tố trong hệ thống chính trị, thuộc tính cơ bản của chúng.

Trên tinh thần đó, nội dung về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Chương I cũng cần được thể hiện theo hướng cô đọng, chỉ tập trung vào những vấn đề căn bản nhất, tương xứng với cách thức quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, tương tự như cách thức quy định về Hệ thống chính trị trong Cương lĩnh.

“Việc tinh gọn bộ máy CQĐP theo hướng không tổ chức cấp huyện là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho CQĐP hoạt động chủ động và hiệu quả, phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân.

Việc không tiếp tục tổ chức cấp hành chính trung gian (cấp huyện) nếu được thực hiện tốt sẽ giúp giảm bớt sự cồng kềnh trong hệ thống hành chính nhà nước, đồng thời tạo ra một mô hình hành chính tinh gọn, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh.

Đáng quan tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất trong ĐVHC cấp cơ sở, hay cấp xã (gồm xã, thành phố, thị xã ở tỉnh; xã thành phố, thị xã, nội đô ở Thành phố trực thuộc trung ương). Trong đó, nội đô là ĐVHC mới, bao gồm khu vực đô thị lõi, thủ phủ của thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm các quận nội thành hiện nay của các thành phố trực thuộc trung ương. Ví dụ nội đô thành phố Hà Nội (gồm 12 quận), nội đô Thành phố Hồ Chí Minh (gồm 16 quận), nội đô thành phố Hải phòng (gồm 6 quận) …

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này