Hướng tới nền hành chính không còn cấp trung gian

11:40 | 06/03/2025
Việc nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện tại Kết luận số 127-KL/TƯ của Bộ Chính trị là một bước đi phù hợp với xu thế cải cách bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả… đang nhận được sự đồng tình của nhân dân cũng như các chuyên gia.
Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một điểm để làm thủ tục hành chính 3 cấp Đảng ủy Chính phủ thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Giảm nấc trung gian, tinh gọn bộ máy

Để tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 18, ngày 28/2, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 127-KL/TW về "Triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị", trong đó đề ra yêu cầu nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nhà khoa học, nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội, cho rằng, việc nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện tại Kết luận số 127 của Bộ Chính trị là một bước đi phù hợp với xu thế cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. “Hiện nay, trên thế giới, mô hình tổ chức chính quyền địa phương có rất nhiều mô hình. Nhưng qua thực tế cho thấy, mô hình tổ chức quản lý một số nước chỉ có 2 cấp, điển hình như tại Nhật Bản. Mô hình theo hướng này rất hiệu quả, có nhiều lợi ích, bởi bỏ được cấp trung gian đi thì vệc triển khai mọi chủ trương, chính sách sẽ từ cấp Trung ương xuống đến tỉnh, thành phố, rồi xuống trực tiếp xã, phường - nơi gần dân nhất”, bà An chia sẻ.

Hướng tới nền hành chính không còn cấp trung gian
Không tổ chức cấp huyện là một bước đi phù hợp với xu thế cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Ảnh minh họa)

Cũng theo bà An, một bộ máy qua nhiều bước trung gian thường dẫn đến tình trạng quan liêu, chậm trễ trong việc xử lý công việc, tạo gánh nặng không cần thiết đối với nguồn lực quốc gia. Các tầng nấc trung gian khiến thông tin bị trì hoãn hoặc sai lệch khi truyền đạt, dẫn đến những quyết định quản lý thiếu chính xác, không kịp thời, không sát với thực tiễn. Bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi tinh gọn bộ máy còn nhằm tiết kiệm nguồn lực và nâng cao tính bền vững trong quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, giúp tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên phát triển các lĩnh vực then chốt và giảm thiểu chi phí quản lý không cần thiết.

Ngân sách tiết kiệm được từ việc tinh giản có thể được đầu tư vào các dự án công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đặc biệt, việc giảm bớt các bước trung gian còn hướng tới mục tiêu quan trọng hơn là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị. Ðiều này không chỉ tạo ra bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho nhân dân mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy vai trò của từng cá nhân và tổ chức trong hệ thống chính trị”.

Thời cơ không thể chậm trễ

Cũng nói về việc giảm nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, bà An cho rằng, trước đây, chúng ta chưa làm được điều này, nhưng đến thời điểm hiện tại, việc bỏ bớt bước trung gian là thích hợp và có nhiều thuận lợi. Trước tiên phải kể đến là hiện nay công nghệ 4.0, kĩ thuật số phát triển mạnh. Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để “bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên” với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, và những xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra. “Có thể thấy, hiện nay việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là rất tốt, hiệu quả và đỡ chi phí cho nhân lực trong giải quyết công việc hơn rất nhiều. Do vậy, việc triển khai thời điểm này là thời cơ không thể chậm trễ”, bà An cho biết.

Tại phiên thảo luận ở Tổ liên quan đến Luật tổ chức chính quyền địa phương kỳ họp bất thường lần thứ 9 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, “trên thế giới có đến 80% quốc gia tổ chức mô hình chính quyền 3 cấp”. Còn nhìn lại lịch sử nước nhà, như thời Nguyễn dẫu khoa học về tổ chức chưa phát triển nhưng vẫn đề ra tiêu chí về số dân với tỷ lệ quan lại (cán bộ). Vì vậy, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, không có lý do gì chi thường xuyên lên tới 70%. Bởi thế việc bỏ cấp trung gian huyện, quận là một chủ trương đúng.

Đồng thuận với phương án bỏ cấp huyện, chị Phạm Thị Hồng (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc tinh gọn bộ máy để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn như hiện nay là hợp lý. Theo chị, hiện nay, cấp xã, phường là nơi gần dân nhất, việc quản lý và triển khai các chính sách đến người dân sẽ hiệu quả hơn nhiều lần. Bỏ cấp huyện sẽ có một sự thay đổi lớn về chất lượng của cấp xã, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Khi bỏ cấp huyện thì năng lực của cán bộ cấp xã phải được nâng lên cả về trình độ và phẩm chất. Bởi khi bỏ cấp huyện, mọi thứ sẽ nặng nề hơn; cấp xã sẽ phải tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Cùng với việc tuyển chọn người tài giỏi, cần phải đầu tư cơ sở vật chất cho xã phường, đặc biệt là hệ thống máy móc để vận hành chính quyền điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành…

Những ngày qua, quyết tâm thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ, nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước đã tập trung quán triệt, triển khai ngay. Trong đó, nêu rõ lộ trình, các bước thực hiện cụ thể và tham mưu phương án theo nội dung kết luận của Trung ương. Để thực hiện hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã chủ động làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chủ động tham gia các nội dung, nhiệm vụ liên quan, nhất là quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Ðể thực hiện thành công, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội và quyết tâm vượt qua thách thức. Một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả không chỉ là biểu tượng của sự tiến bộ mà còn là tiền đề để dân tộc vươn mình mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong tương lai không xa.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này