Hà Nội dùng 20 tỷ đồng để nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên

15:37 | 05/03/2025
20 tỷ đồng để nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên sẽ do cơ quan kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thông qua Quỹ FASEP của Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp viện trợ không hoàn lại.
Phát triển công nghiệp văn hóa từ "Linh Lang - Khí thiêng hội tụ" Cơ hội để cán bộ Công đoàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên" sử dụng viện trợ không hoàn lại của cơ quan kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thông qua Quỹ FASEP của Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp.

Dự án nhằm đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn về kết cấu và các phương án sử dụng khác của cầu Long Biên trong tương lai, như đảm bảo an toàn cho người và phương tiện sử dụng công trình, gồm cả đường sắt, xe hai bánh, người đi bộ.

Giá trị di sản được nêu bật thông qua dự án, do đây là một trong những địa điểm tiêu biểu, công trình thuộc về biểu tượng lịch sử và là một phần cảnh quan của Hà Nội trong hơn một thế kỷ qua. Bên cạnh đó, dự án cũng nghiên cứu về các kịch bản sử dụng cầu Long Biên trong tương lai.

Dự án gồm 3 hợp phần gồm khảo sát, thu thập dữ liệu và phân tích, đánh giá; đề xuất giải pháp cải tạo sửa chữa cầu Long Biên trong ngắn hạn đảm bảo an toàn giao thông.

Hà Nội dùng 20 tỷ đồng để nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên
Cầu Long Biên được coi là chứng nhân lịch sử, là công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nộ

Sau đó, các đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng công trình cầu trong tương lai khi ngừng khai thác tuyến đường sắt quốc gia qua cầu và bàn giao về UBND thành phố Hà Nội quản lý.

Dự án thực hiện tại Hà Nội, trong 11 tháng (dự kiến hoàn thành trong năm 2025). Tổng vốn đầu tư của dự án gần 20 tỷ đồng.

Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải (chủ dự án) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu thể hiện trong hồ sơ trình điều chỉnh; tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, của thành phố và nhà tài trợ.

Theo yêu cầu UBND Thành phố, các đơn vị cần quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Hồi tháng 10/2024, các chuyên gia của Pháp đã làm việc với các bên liên quan và khảo sát sơ bộ cầu Long Biên.

Cầu Long Biên được xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Cầu dàn thép dài 1.691m gồm 19 nhịp (chiều dài nhịp từ 51,2 đến 130m).

Sau 120 năm khai thác, sử dụng và trải qua hai cuộc chiến tranh, cầu Long Biên đã bị xuống cấp chỉ còn lại 9 nhịp ở phía Hà Nội và 3,5 nhịp phía Gia Lâm giữ được kiểu dáng cũ, các nhịp khác do bị bom đạn tàn phá đã được thay thế bởi nhịp dầm T66. Hiện tại, ngoài phương tiện đường sắt, cầu Long Biên chỉ cho phép xe máy, xe đạp lưu thông.

Theo đó, cầu Long Biên là cây cầu huyết mạch của giao thông đường sắt, kết nối vận tải đường sắt với các tỉnh miền Bắc. Cây cầu cũng được coi là chứng nhân lịch sử, là công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ngày nay, cầu Long Biên không chỉ là tuyến giao thông quan trọng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này