Nỗ lực đưa vắc xin phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam

16:51 | 22/02/2025
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics (Thụy Sĩ), mở ra cơ hội đưa về Việt Nam nhiều loại vắc xin mới, trong đó, đặc biệt quan trọng là vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng do Enterovirus 71 (EV71).
Hà Nội ghi nhận thêm 76 trường hợp mắc tay chân miệng Những quận, huyện có tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố

Tại buổi ký kết, hai đơn vị thống nhất mục tiêu cùng nỗ lực hành động vì sức khỏe cộng đồng. Hai bên hướng tới tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lâm sàng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp dự phòng bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng ở trẻ em.

Nỗ lực đưa vắc xin phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics.

Vắc xin phòng bệnh chân tay miệng do Công ty Substipharm Biologics sản xuất với công nghệ hiện đại, được khuyến nghị cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi.

Ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao Công ty Substipharm Biologics cho biết, sẽ sớm đưa vắc xin phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam để góp phần bảo vệ cho trẻ em, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do bệnh và mang lại những chuyển đổi tích cực trong cuộc chiến chống lại bệnh tay chân miệng vốn gây ra nhiều gánh nặng cho sức khỏe của trẻ em.

Đánh giá cao ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Substipharm Biologics, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sự kiện ký kết này có thể coi là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của các bên về việc cùng nhau sớm đưa về Việt Nam loại vắc xin mới, rất cần thiết để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm, hoành hành nhiều năm qua tại Việt Nam, nguy cơ gây tử vong rất cao cho trẻ em.

“Tay chân miệng là bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, do đó, 2 bên cùng hy vọng có được nguồn cung ứng đầy đủ để có thể đảm bảo nhanh chóng triển khai tiêm chủng rộng khắp cho trẻ em, kịp thời phòng bệnh”, ông Ngô Chí Dũng cho biết thêm.

Theo chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie vi rút A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Trong khi đó, EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nguy cơ mắc bệnh nặng do EV71 tăng 16 lần so với nhiễm các chủng vi rút tay chân miệng khác.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này