Luật Trật tự an toàn giao thông: Góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân

10:46 | 20/02/2025
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đi vào cuộc sống giúp giảm thiểu vi phạm và đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Hoàng Minh Hiển, Trưởng Văn phòng Luật sư HHM Việt Nam (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) về những điểm nhấn quan trọng của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Nâng cao văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho học sinh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: “Đòn bẩy” góp phần nâng cao văn hóa giao thông

Phóng viên: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Như vậy, Luật đã có hiệu lực hơn 1 tháng, trên góc độ pháp lý, cá nhân ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh giao thông ở các đô thị lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội diễn biến tương đối phức tạp?

Luật Trật tự an toàn giao thông: Góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân
Luật sư Hoàng Minh Hiển, Trưởng Văn phòng Luật sư HHM Việt Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh: Đinh Luyện

Luật sư Hoàng Minh Hiển:

Với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, thực tiễn chứng minh cho sự phù hợp và hiệu quả của luật trong đời sống xã hội.

Thứ nhất là hiệu quả. Cụ thể, kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực đến nay thì có thể khẳng định có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức và chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Cụ thể, đầu tiên là về nhận thức pháp luật thì tôi thấy nhân dân, người tham gia giao thông ủng hộ các quy định và tự ý thức khi tham gia giao thông với những hình ảnh đẹp nhường đường khi tham gia giao thông mà trước đây ít gặp trong những giờ cao điểm.

Ví dụ, nếu như trước đây khi tham gia giao thông còn có một số trường hợp người tham gia giao thông vượt đèn vàng, hoặc đèn đỏ thì nay đã giảm hẳn gần như là không còn, hay ý thức nhường đường khi tham gia giao thông tôi thấy những hình ảnh đẹp này dường như được tự nhân lên của mỗi người tham gia giao thông.

Tiếp theo là chấp hành pháp luật. Là một người thường xuyên tham gia giao thông ở nhiều khung giờ khác nhau với loại phương tiện là mô tô và ô tô thì tôi thấy người tham gia giao thông tự giác chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngay cả ở khung giờ rất sớm hoặc trong những ngày lễ, ví dụ: những ngày đầu của Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua hoặc hiện tượng điều khiển xe ô tô đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc hoặc đường vành đai 3 trên cao của Hà Nội giảm hẳn.

Thứ hai là sự phù hợp. Bước đầu khẳng định Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, và điều kiện kinh tế của đất nước ta. Sự phù hợp đó có thể nhận thấy trong các quy định về phương tiện, thiết bị, niên hạn sử dụng … Ví dụ, quy định về thiết bị ghi nhận hình ảnh, dấu hiệu nhận biết, phương tiện vận chuyển tại Điều 46 Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh, hay quy định xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, hay quy định các biện pháp phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các phương tiện giám sát, phát hiện vi phạm của người tham gia giao thông.

Phóng viên: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới và tính bao quát hơn, đặc biệt là Luật đã ban hành khung pháp lý hướng trực tiếp đến những đối tượng được cho là yếu thế khi tham gia giao thông như trẻ em, học sinh... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Hoàng Minh Hiển:

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã kế thừa và tiếp tục có những quy định cụ thể đối với những người tham gia giao thông là người già yếu, người khuyết tật hoặc phụ nữ mang thai, trẻ em là những điểm nổi bật của luật.

Thứ nhất, về chính sách của nhà nước khi xây dựng luật được thể hiện cụ thể bằng quy định tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ.

Thứ hai, về chấp hành báo hiệu đường bộ và nhường đường được quy định trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường .

Thứ ba, về điều kiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh, ngoài những quy định về việc lắp đặt các trang thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe thì còn quy định về niên hạn sử dụng không quá 20 năm và yêu cầu kỹ thuật, có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó Luật còn quy định cụ thể về người quản lý trên mỗi xe, kinh nghiệm của người lái xe và trách nhiệm của người quản lý, lái xe sau khi rời xe….

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ quan điểm, giải pháp làm sao để Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đi vào thực tế một cách nhanh chóng và phát huy hiệu quả cao nhất?

Luật sư Hoàng Minh Hiển:

Tôi tin rằng, với những hiệu quả đạt được của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ là bước chuyển biến từ nhận thức thành văn hóa giao thông văn minh trong tương lai gần. Để phát huy và đạt được hiệu quả cao hơn nữa thì cần: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông, như: truyền hình, báo chí và các trang tin điện tử… để nhân rộng những hình ảnh đẹp của những người tham gia giao thông và phê phán những hành vi vi phạm giao thông.

Tăng cường công tác giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh trong các cấp học thông qua các hoạt động trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa. Đặc biệt, đa dạng các hình thức giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật để giúp các em hình thành thói quen tham gia giao thông dần hình thành nét đẹp trong văn hóa tham gia giao thông. Ví dụ: Các luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội tham gia tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định, tuyên truyền nội dung cụ thể thông qua tình huống hoặc giải đáp trực tiếp tại lớp học, sân trường…

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tạo thói quen tuân thủ và chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đinh Văn Luyện (Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này