Một số lưu ý nếu muốn xây nhà trên đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2024 Hướng dẫn thủ tục chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở mới nhất năm 2024 Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết 31/12/2025 |
Khó khăn giao thời giữa luật cũ và mới
Bắt đầu từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực. Luật mang lại nhiều điểm mới, tiến bộ, đặc biệt là việc bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người dân thông qua cơ chế bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Hiện khó khăn không chỉ Hà Nội và rất nhiều địa phương gặp phải là Luật Đất đai 2024 chỉ áp dụng cho những phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt sau ngày 1/8/2024. Các phương án đã phê duyệt trước đó sẽ không được điều chỉnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai GPMB tại không ít dự án, nhất là với các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024.
![]() |
Bằng việc linh hoạt vận dụng Luật Đất đai mới và ban hành nhiều chính sách phù hợp đã giúp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại nhiều dự án. (Ảnh: K.H) |
Những thách thức lớn nhất bao gồm sự khác biệt trong chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư giữa hai thời kỳ. Chẳng hạn, các dự án đã phê duyệt phương án bồi thường theo Luật Đất đai 2013 sẽ không được điều chỉnh theo chính sách mới, dù quyền lợi người dân có thể thấp hơn.
Như vậy dễ gây ra sự so sánh, dẫn đến việc người dân chần chừ hoặc chưa đồng thuận bàn giao đất. Ngoài ra, việc cập nhật bảng giá đất mới, đơn giá bồi thường nhà cửa, kiến trúc, cây cối hoa màu, cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo Luật mới... đang gia tăng khối lượng công việc, đòi hỏi các cơ quan nỗ lực hơn nữa.
Hà Nội kịp thời có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp thực tiễn
Ngay sau khi Chính phủ có Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, về phía UBND thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2024, thay thế các quy định trước đó, gồm: Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017; Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND ngày 05/4/2024; đồng thời, Sở tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giải đáp thường xuyên vướng mắc ngay tại cơ sở.
Đối với các dự án trọng điểm, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập các tổ tháo gỡ vướng mắc, trả lời trực tiếp 24/7 cho cấp cơ sở. Những vấn đề vượt và ngoài thẩm quyền, đơn vị báo cáo, đề xuất xin ý kiến cấp trên theo quy định.
Những dự án trọng điểm, dự án chuyển tiếp, thành phố cho lập Tổ công tác liên ngành do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng, Sở Tài nguyên và Môi trường là Thường trực. Tổ công tác này họp định kỳ để rà soát khó khăn, vướng mắc từ cấp quận, huyện và đề xuất giải pháp cụ thể.
Chẳng hạn, tại Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mở rộng quốc lộ 6 - đoạn qua địa phận quận Hà Đông, thành phố đã có những điều chỉnh quan trọng về tái định cư. Các hộ dân tại quận Hà Đông được tái định cư ngay trong địa bàn, thay vì chuyển về huyện Thanh Oai như trước.
Các phương án chênh lệch diện tích tái định cư cũng được tính toán phù hợp theo bảng giá đất thành phố và giá đất cụ thể bồi thường. Điều này bảo đảm người dân di dời nhanh chóng ổn định cuộc sống, được hỗ trợ tối đa theo quy định...
Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của thành phố, tính đến ngày 2/1/2025, các sở ngành đã hoàn thành 32/52 nhiệm vụ được giao, đồng thời tiếp nhận 76 kiến nghị của 64 nhà đầu tư. Về phía thành phố đã có văn bản chỉ đạo các Sở ngành, đơn vị rà soát, báo cáo.
Trong tháng 1/2025, 3 dự án được Hà Nội đưa ra tháo gỡ là dự án khu nhà ở xã hội cao tầng Bảo Ngọc tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên); dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa kết hợp trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại xã Đan Phượng và xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) và dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Cục B05 - Bộ Công an tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Ba dự án này đang gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục giao đất, chuyển nhượng cũng như chủ trương đầu tư, kéo dài nhiều năm.
Các dự án này đều được thành phố vận dụng linh hoạt chính sách bồi thường, GPMB, tái định cư theo các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Đất đai 2024.
Theo ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Luật Đất đai 2024 đi vào đời sống, nhất là trong thời gian giao thời với Luật Đất đai 2013 khiến khối lượng công việc liên quan đến GPMB, tái định cư tăng lên hơn trước nhiều lần, nhất là với các trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB tại các dự án, giải pháp được UBND thành phố Hà Nội áp dụng là chủ động giải quyết công việc theo hình thức cuốn chiếu, việc nào rõ ràng thì làm trước, việc nào vướng mắc thì xử lý sau. Điều quan trọng nhất vẫn là khâu dân vận, tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phân loại từng trường hợp cụ thể để có phương pháp vận động, động viên phù hợp. Tất cả nhằm đảm bảo chính sách công bằng, đồng nhất.
Khắc Hạnh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ha-noi-van-dung-linh-hoat-luat-dat-dai-moi-vao-cac-du-an-giai-phong-mat-bang-tai-dinh-cu-184695.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này