Giao thông thông minh tạo “bệ phóng” để Thủ đô cất cánh

05:50 | 28/01/2025
Tại Hà Nội, công tác chuyển đổi số, xây dựng hệ thống giao thông thông minh đang dần hoàn thiện. Việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông… sẽ là “bệ phóng” vững chắc để Thủ đô vươn mình.
Đề án giao thông thông minh tại Hà Nội sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn Hoàn thành Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ trong năm 2025 Hà Nội lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông

Hướng tới giao thông thông minh

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của Thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).

Giao thông thông minh  tạo “bệ phóng” để Thủ đô cất cánh
Đồng chí Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Với quy mô diện tích của Thành phố khoảng 3.358,6 km² và dân số tính đến hết năm 2023 là khoảng 8,5 triệu dân được xác định là một trong những thành phố có số dân và mật độ dân cư cao của cả nước nên giao thông Hà Nội có tầm quan trọng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng.

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải (GTVT) hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông Thành phố. Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông.

Đó chính là nội hàm của hệ thống giao thông thông minh, xu hướng phát triển của tất cả các hệ thống giao thông các nước.

Những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong giải pháp này như giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một số ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus… Đây là những tiền đề đầu tiên để triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS trong Thành phố.

Đặc biệt hơn cả, tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ngày 11/12/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6369/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đây là quyết sách đúng đắn và mang tính chất bản lề bởi khi đề án thông qua sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay; hình thành hệ thống giao thông thông minh của Thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hóa giải thách thức, khơi dậy các nguồn lực

Với định hướng phát triển giao thông thông minh, Thành phố sẽ triển khai lộ trình phát triển theo 3 giai đoạn, cụ thể như sau: Giai đoạn 1 từ năm 2025 - 2027. Mục tiêu: Hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, trong đó có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng, bao gồm: (1) Giám sát giao thông; (2) Cung cấp thông tin giao thông; (3) Điều khiển giao thông; (4) Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; (5) Quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; (6) Quản lý sự cố; (7) Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; (8) Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Giao thông thông minh  tạo “bệ phóng” để Thủ đô cất cánh

Giai đoạn 2 từ năm 2028 - 2030. Mục tiêu, mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 03 chức năng còn lại: (10) Quản lý vận tải; (11) Quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); (12) Mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm.

Giai đoạn 3 sau năm 2030. Mục tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh tạo ra các tác động to lớn, theo hướng tích cực cho tất cả các chủ thể liên quan.

Cụ thể, với phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hệ thống giao thông là mạch máu của bất kỳ nền kinh tế nào, Hà Nội là Thủ đô của quốc gia, lại đang trong giai đoạn phát triển thành đô thị thông minh, vì vậy hết sức cần thiết phải có một hệ thống giao thông an toàn, văn minh, tiện lợi. Hệ thống giao thông thông minh ITS thành phố giúp cho giảm ùn tắc giao thông, việc di chuyển được thuận lợi, an toàn, hiệu quả.

Thông qua đó lưu thông hàng hóa logistic của các doanh nghiệp trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, cải thiện hơn chất lượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho cư dân Thủ đô.

Đối với quản lý, điều hành giao thông, hệ thống giao thông thông minh, trên hết, mang lại đổi mới phương thức quản lý, điều hành giao thông, không phải chỉ là một tập hợp các ứng dụng nhỏ, lẻ. Phương thức quản lý, điều hành giao thông mới này chính là nội dung quan trọng của Chuyển đổi số trong giao thông thông qua làm giàu dữ liệu, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

Đối với doanh nghiệp, hệ thống giao thông thông minh giúp các doanh nghiệp vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa, sản phẩm… nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí… Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh tạo ra nguồn dữ liệu số mới, khổng lồ, là nguồn tài nguyên mới cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm gia tăng giá trị.

Đối với người dân, hệ thống giao thông thông minh đem lại cho người dân chất lượng dịch vụ tốt hơn. Khi thực hiện chuyến đi được hỗ trợ thông tin tối đa để di chuyển an toàn, nhanh chóng. Đồng thời, người dân được tương tác với cơ quan quản lý, cung cấp thông tin giao thông, phản ánh các sự cố, đề nghị trợ giúp, …

Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đều đã có những chủ trương, quyết định, ủng hộ xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hình thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh.

Hệ thống giao thông thành phố Hà Nội đang đứng trước một cơ hội đổi mới sâu, rộng, trở thành hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh nhờ quyết tâm chính trị lớn, tin tưởng rằng tương lai không xa, giao thông Thủ đô sẽ ngày một đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phục vụ người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hơn của Thủ đô trong tương lai.

Nguyễn Phi Thường

Thành ủy viên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này