Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)

09:56 | 27/11/2024
Luật Công đoàn (sửa đổi) vẫn quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn Cụm thi đua số 8 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Chú trọng công tác chăm lo, bảo vệ người lao động Triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động

Sáng 27/11, với 443/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật có hiệu lực từ 1/7/2025.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi).
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: QH)

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số điểm mới cơ bản như sau:

Người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại Công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ Công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Xác định và phân định rõ "Công đoàn Việt Nam" với "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam", quy định rõ 4 cấp Công đoàn. Đồng thời, khẳng định "Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động".

Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; Bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Với 443/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn sửa đổi.
Với 443/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn sửa đổi. (Ảnh: QH)

Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

Bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ 2 năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này