Xe buýt xanh: Triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt

17:00 | 05/11/2024
Ngày 5/11, Báo Hànộimới phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”.
Hà Nội nỗ lực xây dựng xe buýt “xanh” Để xe buýt Thủ đô ngày càng thuận tiện Transerco chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt

Dự tọa đàm có: Ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Sinh thái VinBus; ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Dự tọa đàm còn có bà Hoàng Ngọc Linh, hành khách đặc biệt, người đã chứng kiến nhiều đổi thay của hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô và là người đã gắn bó nhiều năm với các loại hình xe buýt.

Xe buýt xanh: Triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt
Các đại biểu chủ trì tọa đàm “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”.

Theo đó, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện. Số lượng xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt tỷ lệ 13,6% tổng số xe toàn mạng lưới xe buýt.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bởi vậy việc triển khai sang sử dụng xe buýt xanh là tất yếu và phải triển khai càng sớm càng tốt, điều này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho Thủ đô.

Ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội chia sẻ, Hà Nội đã bắt đầu đưa vào vận hành một số tuyến buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG. Qua vận hành, hiệu quả mang lại tương đối rõ nét khi sử dụng xe buýt điện đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khí thải và tiếng ồn.

Xe buýt xanh: Triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt
Lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Sinh thái VinBus chia sẻ, ô nhiễm khiến giảm chất lượng sống của người dân đô thị. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải về 0. Ở Việt Nam, điều này đỏi hỏi một quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu này.

Đồng quan điểm trên, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà nhấn mạnh, lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, đang là những khó khăn, thách thức lớn với doanh nghiệp. Cùng với đó là các vấn đề về hạ tầng, trạm sạc… Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.

Tại chương trình tọa đàm, các khách mời đã cùng chia sẻ về định hướng phát triển của xe buýt Hà Nội trong tương lai, mà ở đó, xe buýt - một loại hình vận tải hành khách công cộng phổ biến của Thủ đô sẽ gắn với hình ảnh văn minh, thân thiện và hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến cảnh quan môi trường.

Ngoài ra, các khách mời cũng cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc khi doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện xanh, các cơ chế trợ giá, xây dựng hạ tầng phục vụ xe buýt xanh.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này