Thận trọng khi sử dụng thực phẩm "handmade"

20:23 | 06/02/2024
Việc mua bán thực phẩm tự làm (handmade) trên "chợ online", mạng xã hội đã trở thành xu thế trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự tiện lợi, những mặt hàng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nỗi lo thực phẩm handmade…tràn lan trên mạng! LĐLĐ quận Long Biên: Ra mắt Công đoàn Công ty TNHH Thực phẩm Minh Thoa Đảm bảo chất lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường dịp Tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề. Đây cũng là thời điểm nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường. Thị trường hàng Tết handmade - sản phẩm "nhà làm", cũng vì thế mà đã bắt đầu sôi động trên mạng xã hội. Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook dễ thấy từ thực phẩm tươi sống đến đồ ăn đã nấu chín được rao bán tràn lan. Các loại thực phẩm được quảng cáo nhiều gồm: Thịt gà quê, thịt lợn sạch, các loại giò, chả, nem, mứt, thịt trâu gác bếp…

Thận trọng khi sử dụng thực phẩm
Cần thận trọng với thực phẩm handmade.

Là một người thường xuyên mua thực phẩm trên "chợ online" về sử dụng, chị Phạm Thanh Tú (phường Phú Lãm, quận Hà Đông) cho biết: “Tôi làm việc trong mảng truyền thông, tổ chức sự kiện. Do đặc thù công việc thường xuyên phải đi sớm về muộn, có những đợt cao điểm nhiều sự kiện như dịp Tết thì chuyện 21 - 22h mới về nhà là bình thường. Chính vì thế, tôi hay mua thực phẩm trên mạng, từ rau, củ, quả đến thịt, cá… Đặc biệt, đợt này bận quá, tôi còn mua luôn thực phẩm đã chế biến sẵn, về chỉ việc làm nóng lại và sử dụng, rất tiện lợi và không mất thời gian”.

Khi đề cập đến vấn đề chất lượng cũng như an toàn thực phẩm đối với thực phẩm được mua bán trên mạng, chị Tú bày tỏ: “Thời gian trước, việc mua thực phẩm trên mạng còn khá dè dặt vì mọi người có tâm lý nghi ngại. Ai mua hàng cũng muốn mắt thấy, tay sờ, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19, nhiều người đã làm quen với việc mua bán online. Thú thực, khi mua thực phẩm ở siêu thị hay chợ dân sinh, tôi cũng chỉ mua theo cảm tính, chứ cũng khó biết chất lượng đến đâu. Mua thực phẩm trên mạng thì khuất mắt trông coi. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên mua của người quen, cũng có sự tin tưởng tương đối”.

Cũng là một người thường xuyên mua thực phẩm trên mạng, chị Trần May Linh (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) cho biết: “Tôi thường xuyên mua đồ trên mạng vì không có thời gian để nấu nướng. Nhiều lúc nghĩ đến an toàn vệ sinh thực phẩm tôi cũng thấy lo, nhưng tôi nghĩ, thời buổi cạnh tranh, các shop đều phải có ý thức về điều đó, nếu không sẽ mất khách”.

Phải thừa nhận, mua thực phẩm trên mạng có nhiều ưu điểm như: Tiện; chỉ cần ngồi một chỗ, gọi một cuộc điện thoại hay tin nhắn là đã có người giao hàng đến tận nơi… Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng bán cũng đúng như quảng cáo.

Đáng lo ngại, các trang mạng xã hội cá nhân và các sản phẩm "nhà làm" hầu hết đều không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Qua quan sát, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu. Các chủ trang mạng bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng.

Thận trọng với thực phẩm handmade
Người dân cần thận trọng khi lựa chọn bánh kẹo, mứt Tết tự làm được rao bán trên mạng xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm handmade nếu gia đình tự làm và sử dụng thì tương đối an toàn vì kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Nhưng những sản phẩm handmade được đặt mua online thì lại tiềm ẩn những mối nguy hại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do điều kiện chế biến, không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, thời gian bảo quản sẽ ngắn sản phẩm dễ bị hỏng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, càng thời điểm Tết, nhà nhà, người người đều tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh đủ mọi loại thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát. Do đó, việc mua, bán các sản phẩm handmade, sản phẩm "nhà làm" chủ yếu dựa vào niềm tin, sự quen biết lẫn nhau.

“Dù vậy, với những sản phẩm không có nhãn mác, không có kiểm định chất lượng thì chúng ta hoàn toàn đặt ra câu hỏi nghi ngờ về chất lượng. Thậm chí, mạng xã hội hiện nay cũng là nơi để các sản phẩm kém chất lượng tuồn ra thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh đưa ra cảnh báo.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, trong đó có cả người mua và người bán, tạo các cuộc vận động bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Cùng với việc truyền thông, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý hiệu quả các sản phẩm "nhà làm" được rao bán trên mạng xã hội hiện nay. Làm sao để bản thân người bán hàng phải ý thức được rằng, việc bảo vệ thương hiệu, giữ chữ tín thông qua việc cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm cho việc kinh doanh lâu dài của mình.

Các chuyên gia lưu ý: Chỉ nên sử dụng sản phẩm handmade nếu tự tay làm, và thời gian sử dụng nằm trong khoảng từ 3 - 5 ngày; không dùng thực phẩm đóng hộp quá 24 giờ sau khi mở nắp; không nên sử dụng đồ hộp đã bị phồng ở 2 mặt. Mọi người nên mua sản phẩm handmade ở những cơ sở sản xuất uy tín có đăng ký kiểm định về chất lượng và điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Minh Khuê - Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này