Không để “đến hẹn đường lại tắc”!

10:52 | 21/12/2023
Trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và không theo kịp với sự gia tăng về dân số, lượng xe cá nhân, thì ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn là "căn bệnh mãn tính". Thời điểm cuối năm, khi lượng người và phương tiện tham gia giao thông càng tăng cao, để giải quyết câu chuyện ùn tắc giao thông đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng.
Thí điểm sử dụng dải phân làn “cứng” trên tuyến đường Nguyễn Trãi Đề xuất phương án giảm ùn tắc đường Nguyễn Xiển

“Oằn vai” những tuyến phố

Bước vào những ngày cuối năm, tại Hà Nội, lượng người và phương tiện tham gia giao thông có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, hiện Hà Nội đang đẩy mạnh thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, một số điểm phải rào chắn đường, hè phố để thi công... Từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm, gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân.

Theo ghi nhận, trên các tuyến đường trục chính vào trung tâm Hà Nội như: Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển… liên tục xuất hiện tình trạng người và xe chật cứng, di chuyển khó khăn. Nhức nhối nhất phải kể đến đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), trong khoảng thời gian cao điểm sáng từ 7h10 - 8h40, chiều từ 17h20 - 19h30, ô tô, xe máy ngoài việc phải nhích từng bước còn ken kín cả vỉa hè.

Không để “đến hẹn đường lại tắc”!
Lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Tương tự, tại trục đường Ba La, giao với Quốc lộ 6, giao thông tại khung giờ 7h10 cũng ken đặc. Tại đây, người và phương tiện di chuyển hết sức khó khăn do lượng người và phương tiện đổ vào nội thành tăng đột biến. Là một người dân thường xuyên phải lưu thông trên trục đường ùn tắc, chị Đinh Thị Lệ, nhà ở đường Phú Lãm chia sẻ, buổi sáng đưa các con đi học qua cung đường giao giữa Ba La và Quốc lộ 6 là một cực hình, nhất là tầm sau 7h sáng. Càng gần các nút giao hướng vào nội thành thì đường càng tắc, có khi thời tiết xấu, trời mưa gió thì các điểm ùn ứ phải đợi chờ 15 - 30 phút cũng chưa qua được.

Bàn về căn nguyên nảy sinh ùn tắc giao thông Thủ đô, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội dân số và số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao, trong khi hạ tầng phục vụ không theo kịp nhịp phát triển là căn nguyên chính. Cụ thể, dân số của thành phố Hà Nội là trên 8,4 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (có khoảng 1,1 triệu xe ôtô và 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện).

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 18,5%.

Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ khép kín theo quy hoạch; các công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường; tuyến đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Đồng bộ các giải pháp

Trước những diễn biến phức tạp nói trên, lực lượng chức năng Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực, tập trung phân luồng, giảm thiểu và phòng ngừa ùn tắc giao thông, nhất là các khung giờ cao điểm dịp cuối năm. Cụ thể, theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện theo Kế hoạch số 2552/KH-TTS ngày 3/8/2023 của Sở, Thanh tra Sở đã bố trí lực lượng phối hợp với Công an Thành phố thực hiện nhiệm vụ phân luồng, chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 với tổng số 44 chốt trực.

Ngày 21/11/2023, Ban An toàn giao thông Thành phố đã ban hành Văn bản số 185/BATGT-VP về việc rà soát các vị trí có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn đặc biệt vào giờ cao điểm để bố trí lực lượng phối hợp hướng dẫn, phân luồng bảo đảm giao thông; phòng ngừa ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố gửi các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Công an Thành phố đã thống nhất 204/326 vị trí do Thanh tra Sở đề xuất và bổ sung thêm 30 vị trí, nâng tổng số vị trí đã thống nhất là 234 vị trí.

Công tác xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng được các lực lượng chức năng Hà Nội chú trọng. Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông ban hành kèm theo Công văn số 1415/C08-P7 ngày 17/4/2023 về việc phối hợp chỉ đạo giải quyết điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 7 điểm đen tai nạn giao thông và 1 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Đến thời điểm báo cáo, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố xử lý 7 điểm đen. Đối với 1 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến đường Lĩnh Nam, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Ban Duy tu tăng cường công tác duy tu, duy trì nhằm đảm bảo êm thuận, chất lượng an toàn giao thông và phối hợp với quận Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng mặt đường Lĩnh Nam.

Đối với phạm vi khu vực Cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, theo đề xuất, kiến nghị của Công an Thành phố tại Công văn số 8690/CAHN-CSGT ngày 26/10/2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Ban Duy tu thực hiện các nhiệm vụ: Cắm bổ sung biển cảnh báo, tăng cường công tác duy tu mặt cầu, vệ sinh hệ thống an toàn giao thông, bổ sung phản quang trên lan can thành cầu... Sở cũng tiến hành nghiên cứu, thay thế vật liệu dải phân làn phương tiện cho phù hợp để giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra.

Tại buổi đánh giá công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 giữa Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị hai cơ quan tiếp tục phối hợp liên ngành. Trong đó, tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông trong năm 2024, điểm đen tai nạn giao thông và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Phối hợp triển khai thực hiện các kế hoạch của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm 2024. Tiếp tục triển khai phối hợp thống nhất phương án tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và phối hợp tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể dục thể thao… trên địa bàn Thành phố.

Được biết, để chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân, tùy theo tình hình thực tế, các lực lượng chức năng sẽ bố trí thêm các vị trí chốt trực, tập trung lực lượng ở các bến xe, các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thành phố… để điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố mất an toàn giao thông.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này