Chiều 17/10, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội.
Trình bày tóm tắt báo cáo công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Đến hết tháng 9/2023, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố đạt 72,7% (1.632/2.244 trường).
Mạng lưới trường công lập cơ bản đáp ứng tiêu chí tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở (THCS) và 3-5 vạn dân có 1 trường trung học phổ thông (THPT) công lập. Chỉ tiêu diện tích sàn xây dựng/học sinh nhìn chung tăng đều ở các cấp học, đạt 9,1m2/học sinh, tăng 3 lần so với năm 2012. Thành phố Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3.
![]() |
Toàn cảnh phiên giải trình. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn một số các phường thuộc các quận nội thành thiếu trường học; phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số, gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tình trạng thiếu trường, lớp tại các quận nội đô không còn quỹ đất để xây mới hoặc mở rộng trường học, dẫn đến vượt quy định số học sinh/lớp, số lớp/trường, không đạt chỉ tiêu diện tích đất/học sinh, trường học vượt quy mô đào tạo không đạt chuẩn quốc gia.
Việc quản lý thực hiện dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội, mặc dù đã có quy định trình tự thực hiện đầu tư, đảm bảo xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi xây dựng các công trình khác trong phạm vi dự án theo từng phân kỳ đầu tư và đảm bảo chất lượng, tiến độ và khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án. Tuy nhiên thực tế công tác xây dựng, triển khai dự án trường học và các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị khác còn chậm, chưa đồng bộ với các chức năng khác.
Các trường học chưa được xây dựng đa phần nằm trong các quỹ đất cơ sở sản xuất xí nghiệp công nghiệp, đất cơ quan, bộ, ngành, trường cao đẳng, đại học hoặc trong các khu đô thị. Các quỹ trường học đang sử dụng hiện có chưa thật sự phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Một số khu đất trường học nằm trong khu vực ngõ xóm dân cư hoặc còn chung với các hộ dân nên phần lớn diện tích khuôn viên bị hạn chế. Một số khác thì nằm tiếp giáp các tuyến đường giao thông đô thị có mật độ tham gia giao thông lớn, anh hưởng về tiếng ồn…
Hiện, còn 8 quận nội thành thiếu trường học theo quy định tối thiểu mỗi xã, phường có tối thiểu 1 trường công lập (thiếu 49 trường mầm non, tiểu học, THCS). Quỹ đất dành cho trường học tại các quận rất hạn chế, do vậy việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chí đạt chuẩn quốc gia khó khăn (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy). Bên cạnh đó, thiết bị dạy học tối thiểu hiện có của các trường học đa phần cũ, hỏng không đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc mua sắm cần nguồn lực lớn.
Theo ông Lê Anh Quân, để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80 - 85%, cụ thể, phải hoàn thành công nhận mới 410 trường đạt chuẩn quốc gia, công nhận lại 1.150 trường và đây là khối lượng công việc rất lớn.
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ha-noi-con-thieu-49-truong-mam-non-tieu-hoc-trung-hoc-co-so-161640.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này