Điều chỉnh tiền lương phải gắn với kỷ cương, trách nhiệm

19:02 | 16/10/2023
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Hai việc này phải đi liền với nhau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách tiền lương Cần quan tâm các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động

Ngày 16/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hôi.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Cân đối ngân sách Nhà nước được đảm bảo trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết…, trong đó đã tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách chứ không chỉ điều chỉnh lương, cũng không chỉ tăng lương, không chỉ tăng thu nhập.

Điều chỉnh tiền lương phải gắn với kỷ cương, trách nhiệm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

“Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Hai việc này phải đi liền với nhau, không phải do điều kiện khó, đời sống khó tăng ít tiền để làm. Đây là điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Do đó, phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại cán bộ công chức, những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh cũng phải có biện pháp xử lý; người vi phạm, yếu năng lực đưa ra khỏi bộ máy. “Chỗ này cũng phải làm cả hai mặt chứ không chỉ cải cách tiền lương không”, lời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Cùng quan tâm đến cải cách tiền lương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, đồng thời cho rằng, việc cải cách cần quan tâm đảm bảo tương đối phù hợp thu nhập cho cán bộ cơ sở giữa các ngành, lĩnh vực, tương đồng giữa nhiệm vụ và trách nhiệm, tránh có nơi, có chỗ thu nhập sẽ cao hơn và những chỗ thu nhập thấp hơn nhưng nhiệm vụ vẫn phải thực hiện như nhau.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW, gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này