TP.HCM: Kỷ niệm 110 năm hình thành Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ

18:29 | 28/09/2023
Ngày 28/9, Ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ tổ chức lễ Thượng đại kỳ và khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2023. Đây cũng là dịp kỷ niệm 110 năm hình thành Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ và 10 năm ngày Lễ hội chính thức được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
TP.HCM: Đề xuất khai thác cát tại vùng biển Cần Giờ để làm dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ TP.HCM: Đưa học sinh xã đảo Thạnh An vào đất liền thi tốt nghiệp THPT TP.HCM: Cần Giờ sắp được trồng thêm 30.000 cây xanh

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm nay diễn ra từ ngày 28/9 đến 30/9, với nhiều hoạt động thiết thực, nội dung mang đậm nét truyền thống dân gian và hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thương mại, du lịch… Theo thông lệ truyền thống, hàng năm, cứ đến Tết Trung thu - Rằm tháng 8 Âm lịch, tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) lại diễn ra Lễ hội Nghinh Ông với các nghi thức dân gian.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Cần Giờ, xuất phát từ huyền thoại kể về công lao của thần Nam Hải từng cứu giúp ngư dân không may lâm nạn khi có giông bão, phù hộ ngư dân có được những mùa đánh bắt bội thu, người dân miền biển xem cá Ông là vật linh, tôn đặt tước hiệu Nam Hải Đại tướng quân. Việc thờ cúng và tổ chức Nghinh Ông là nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngư dân vùng biển Cần Giờ đối với thần Nam Hải. Qua đó cầu mong cho biển lặng gió hòa, một mùa đánh bắt bội thu, nhất là cầu mong sự an toàn cho những người đi biển…

TP.HCM: Kỷ niệm 110 năm hình thành Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ
Lễ Thượng đại kỳ và khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2023. Ảnh: Thanh Tâm

Ông Hồng cho biết, lễ hội là dịp để ôn lại và giới thiệu đến du khách về lịch sử hình thành, phát triển nét văn hóa đặc trưng vùng biển Cần Giờ và người dân nơi đây; cũng như về kiến trúc nghệ thuật Lăng Ông Thủy Tướng. Đồng thời, qua đó giới thiệu đến du khách di tích lịch sử Căn cứ Rừng Sác anh hùng, về rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Lăng Ông Thủy Tướng tại huyện Cần Giờ, là một trong những nơi thờ cúng thần Nam Hải lớn nhất trên địa bàn thành phố và vùng Nam bộ. Mặc dù đã trải qua thời gian dài, với bao biến động thăng trầm của lịch sử, do sự xâm thực của biển, sự tàn phá của chiến tranh nhưng không gian và hiện vật trong Lăng vẫn còn nguyên vẹn theo năm tháng, đánh dấu một thời kỳ quan trọng của sự phát triển Cảng Cần Giờ và nghề đánh bắt thủy hải sản.

Trải qua hơn 2 thế kỷ, Lăng Ông Thủy Tướng vẫn được nhân dân Cần Giờ nhiều đời trân trọng, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo cho đến hôm nay. Năm 2012, Lăng Ông Thủy Tướng đã được UBND TP.HCM công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố.

Lễ hội truyền thống Nghinh Ông Cần Giờ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013, là sự kiện văn hóa đặc biệt của TP.HCM nói chung và của ngư dân Cần Giờ nói riêng. Năm nay, cũng là năm đánh dấu cột mốc 110 năm hình thành và phát triển Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, 10 năm được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bên cạnh việc tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác và tổ chức các hoạt động Lễ cúng truyền thống tại Lăng Ông Thủy Tướng, lễ đưa - rước Nghinh, Tết Trung thu dành cho thiếu nhi và Lễ hội Mừng công ngư dân Cần Giờ, còn có nhiều loại hình hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể dục - thể thao, tuyến đường nghệ thuật - triển lãm, trưng bày sắp đặt hiện vật phục chế các hoạt động sản xuất, văn hóa vùng sông biển qua các thời kỳ.

Phiên chợ hàng Việt cũng được tổ chức nhằm trưng bày giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP Thành phố và các tỉnh; khu ẩm thực biển, trò chơi dân gian mang tính đặc trưng ngành nghề vùng biển; tổ chức đoàn thuyền hoa đăng, thả đèn trên biển... phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh và vui chơi giải trí lành mạnh của ngư dân và du khách.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này