Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được Nghị quyết của Bộ Chính trị

16:06 | 20/09/2023
Sáng 20/9, phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng nên cần rà soát, nghiên cứu bổ sung sao cho cụ thể hóa được các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị đưa Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trường Hữu nghị T78 là cầu nối vun đắp thêm mối quan hệ đặc biệt Việt- Lào Chủ tịch Quốc hội: Thanh niên gánh vác sứ mệnh phát triển quốc gia, thịnh vượng thế giới

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật. Theo đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Dự thảo Luật hiện được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được Nghị quyết của Bộ Chính trị
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Qua thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng với Thủ đô nên cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, cụ thể các chủ trương để Thủ đô Hà Nội phát triển như mục tiêu đề ra trong nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được Nghị quyết của Bộ Chính trị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị không hợp thức hóa chung cư mini

Riêng về vấn đề phân cấp và phân quyền cho Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phân cấp và phân quyền toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, song vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, nghiên cứu quy định để Thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở, ngành.

Về vấn đề luật hóa nhiều cơ chế đã áp dụng cho một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Ban soạn thảo cần trao đổi với các địa phương này để xem nội dung nào cần điều chỉnh, nâng cấp hơn cho Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được Nghị quyết của Bộ Chính trị
Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại phiên họp, đề cập quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là với quy hoạch, xây dựng... Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi mới thấy có những vấn đề còn bất cập trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến xây dựng. Tòa nhà được cấp phép xây 6 tầng, nhưng chủ nhà xây lên tới 9 tầng. Đây không chỉ là vi phạm mà nếu xét điều kiện thực tế về hạ tầng, giao thông tại khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn cho thấy, việc cho phép xây 6 tầng cũng đã bất cập, khu vực này có thể chỉ phù hợp xây dựng 2-3 tầng.

Từ thực tế đó, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn, vào những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này