Có không những cái “bắt tay”?

07:57 | 23/02/2023
Sau những “lùm xùm” liên quan đến một số ngân hàng và tập đoàn bảo hiểm “ép” khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm thì mới cho vay tiền khiến nhiều người bức xúc, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chính thức chỉ đạo thanh tra các tập đoàn bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước: Sẽ xử lý nghiêm tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm Bộ Tài chính siết chặt quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm

Ngày 21/2, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng đồng loạt công bố “đường dây nóng” để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp. Trong thông báo phát đi, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ phối hợp Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Có không những cái “bắt tay”?
Ảnh minh họa

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời bảo đảm việc tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất, “ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…

Từ trước đến nay việc chấp thuận mỗi gói chính sách bảo hiểm để phát hành hợp đồng bảo hiểm (gọi là Policy) đều được chấp thuận bởi Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính). Tuy nhiên, Cục chỉ chấp thuận Điều khoản cơ bản nhưng Hợp đồng sẽ có các điều khoản bổ sung và đó là nơi “cài cắm” các điều khoản mà công ty bảo hiểm tạo ra để có lợi cho mình, đẩy phần thiệt về khách hàng.

Một người bạn của tôi kể rằng, bản thân anh đã được tập huấn để nắm rõ sự vận hành hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích đính kèm cho khách hàng mỗi bên. Đó là sự “bắt tay” giữa hai bên ngân hàng - nhà bảo hiểm để khai thác tệp khách hàng của nhau.

Trong loạt bài điều tra mới đây, báo Tuổi trẻ cũng cung cấp những con số, các thương vụ ký kết thoả thuận độc quyền phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Tin đồn đoán thì nhiều, với những con số nghe đâu cũng “hời” lắm: 80-60-50% gì đấy, tuỳ thương vụ ký kết. Để tránh tình trạng trên, mong Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra thực hư có hay không những cái “bắt tay” này, nhằm tìm ra những gì khiến môi trường ngân hàng “nhuốm màu” bảo hiểm như thực tế thời gian qua.

Diên Vĩ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này