Mỹ Đức cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 2.400 giáo viên năm học 2022-2023 Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đánh giá đúng tình hình để có quyết sách đúng và trúng |
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, ngày 21/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình bày Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển năm 2023.
![]() |
Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Theo đó, Hà Nội vừa triển khai nhiệm vụ của năm 2022 với khối lượng công việc lớn, vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ cho trung và dài hạn như: Tổng kết Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị; tổng kết Luật Thủ đô; triển khai Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, các địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; triển khai kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa....
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương và Thành ủy, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô trong thực hiện tích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022. Trong đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao tăng 6,8% so với dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch.
Sản xuất, kinh doanh phục hồi; các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại; thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển.
Đáng chú ý, theo ông Hà Minh Hải, thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023. (Ảnh: Nguyễn Thành) |
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nêu một số tồn tại, hạn chế. Đó là, kỷ cương hành chính có chuyển biến, tuy nhiên, chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt trong khi công việc ngày càng nhiều; có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Thành phố; có tình trạng ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Chuyển đổi số còn chậm. Hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị ngày càng quá tải, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu chậm tiến độ…
Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tiếp tục phối hợp hiệu quả với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
![]() |
Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị |
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sẽ có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, trên cơ sở xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0% (Chỉ tiêu cả nước tăng khoảng 6,5%); GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá 4,5%; Giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu, thành phố Hà Nội xác định sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới; các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác quy hoạch; phát triển hạ tầng số, kết cấu hạ tầng, đô thị; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ; tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Hoàng Phúc
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nam-2022-kinh-te-ha-noi-tang-truong-khoang-88-149022.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này