Tháng Tám về khu di tích Đá Chông Giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn từ chuyến đi thực tế tại Di tích K9 |
Hình ảnh Bác còn lưu mãi
Khu di tích Đá Chông-K9 (Ba Vì), nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Đá Chông là khu vực có địa hình rất đặc biệt. Nơi đây nằm ngay sát dòng sông Đà thơ mộng, bên cạnh là núi Tản Viên hùng vĩ. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp tựa như một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà. Thứ nữa, do có nhiều tảng đá nhọn như đầu mũi chông từ dưới đất mọc lên nên người dân bản địa vẫn truyền tai nhau rằng đó là dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời tiền sử.
![]() |
Khu di tích Đá Chông là địa chỉ đỏ được thế hệ trẻ đến tham quan, học tập, qua đó phần nào thấy được cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Đó là huyền tích kỳ lạ về miền núi Tản sông Đà, sự thực ít nhiều cũng khó có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, Đá Chông trở nên “đặc biệt” khi gắn với không ít sự kiện liên quan đến Bác Hồ. Theo một số tư liệu để lại, vào một ngày của tháng 5/1957, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau.
Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, chọn vị trí này làm nơi làm việc của Bác và Trung ương. Cứ như vậy, giai đoạn từ năm 1960-1969, Đá Chông được chọn làm khu căn cứ địa, nơi làm việc của Bộ Chính trị, điểm tiếp các đoàn khách quốc tế. Đặc biệt, sau khi Bác mất, Đá Chông được Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác trong giai đoạn 1969-1975.
Vùng đất Đá Chông vốn là một vùng đất gắn với những huyền tích lịch sử - văn hóa rực rỡ của đất nước ta từ ngàn đời xưa,trở thành điểm bắt nguồn và tiếp nối mạch nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc. Đây đích thực là vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa, tiếp giao với những vùng văn hóa quan trọng như phía Bắc là đất tổ Vua Hùng, phía sau là Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sự hiện hữu của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông vì thế cũng đầy ắp những dấu ấn văn hóa. |
Cho đến nay, ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, người ta vẫn thấy từng hình ảnh, từng hiện vật đều gắn với hình bóng của Người cùng nhiều câu chuyện giàu cảm xúc trong những năm tháng Bác sống tại đây. Đó là ngôi nhà 2 tầng được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngôi nhà phục vụ, vườn cây, khu nhà khách...
Chưa hết, bất cứ ai nếu một lần đến với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông hẳn sẽ ấn tượng với cảnh quan môi trường ở nơi đây. Đây cũng chính là một nét quý, thể hiện sự ứng xử với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên của Người. Nghe kể, trong quá trình xây dựng nhà hay làm đường sá, Bác đều yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Bởi thế, những ngôi nhà, đường sá trong khu di tích hiện nay vẫn luôn đan xen khoảng không xanh mát, rợp bóng cây. Cây cối và kiến trúc hòa quyện, tạo nên một bức tranh tươi xanh, tràn ngập vẻ đẹp của thiên nhiên.
Địa chỉ đỏ Đá Chông
Với những giá trị lịch sử, nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của Bác Hồ, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông không chỉ là điểm đến của người dân cả nước mà còn của nhiều đoàn khách quốc tế. Nhiều đơn vị cũng chọn nơi đây để tổ chức sinh hoạt chính trị như báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, Đoàn...
Anh Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ, bản thân từng may mắn được đến Khu di tích Đá Chông-K9. Mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích Đá Chông. Nơi khuôn viên di tích, anh được tham quan nhiều điểm, nhiều hiện vật, từ đó hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu cũng như công việc mà Trung ương Đảng đã thực hiện gìn giữ thi hài Bác trong suốt những năm tháng chiến tranh.
“Đọc mỗi câu thơ, ngắm từng hiện vật, nhẹ bước dưới tán cây rừng... tôi đều có thể cảm nhận mỗi tấc đất, lối đi, cành cây, ngọn cỏ, mỗi căn phòng nơi đây như còn vương vấn dấu chân, hình ảnh, tâm hồn của Bác - một lãnh tụ anh minh, kiệt xuất của dân tộc, giản dị, nhưng tư tưởng mang đầy tính nhân văn và khoa học. Mỗi một kỷ vật đều là câu chuyện chứa đựng tình cảm sâu sắc của Người dành cho cách mạng, cho nhân dân. Từ những buổi học tập truyền thống thực tế như ở Đá Chông, không chỉ riêng tôi mà cán bộ công chức, viên chức ở Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được hiểu thêm về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ, từ đó có thêm động lực rèn luyện, học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu” – anh Ngô Minh Hoàn chia sẻ.
Được biết, hằng năm, Khu Di tích K9 luôn mở cửa đón tiếp số lượng lớn đồng bào trong nước, đặc biệt là những người trẻ đến tham quan, học tập; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, trồng cây lưu niệm. Chị Phạm Thu Thảo, Chi đoàn Báo Lao động Thủ đô (Đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết, hoạt động thăm viếng khu Di tích K9 Đá Chông với những người trẻ như chị có ý nghĩa hết sức to lớn. Khi tham quan di tích, thế hệ trẻ có thể phần nào thấy được cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi là một người trẻ từng may mắn được đến với di tích từ năm 2021, khi là một trong 5 cá nhân của Đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động Thành phố được Đoàn khối các cơ quan thành phố Hà Nội tặng Giấy khen. Qua chuyến đi cùng Đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đến Đá Chông, bản thân tôi luôn biết ơn những công lao to lớn của Bác đối với dân tộc, với quê hương đất nước. Từ đây, tôi xác định phải cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc sống, trong công việc để đóng góp thật nhiều công sức cho đất nước, quê hương” - chị Phạm Thu Thảo chia sẻ./.
Tại Tọa đàm khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đá Chông - K9” do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự tổ chức, Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu của tôi ở Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp ở Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rằng, di tích Đá Chông trước hết đã đủ các điều kiện để trở thành một di tích được công nhận là Di tích Quốc gia. Và sau đó, chúng ta nghiên cứu các tiêu chí để trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt”. |
Đinh Luyện
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/thang-chin-o-da-chong-145413.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này