Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Để đạt mức tăng trưởng cao, việc giải ngân vốn đầu tư có vai trò quan trọng. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5/2022 là 110.130,69 tỷ đồng, đạt 18,80% kế hoạch (585.655,441 tỷ đồng) và đạt 20,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (542.105,895 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2021 đạt 22,97% kế hoạch và đạt 25,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: Vốn trong nước là 107.946,13 tỷ đồng (đạt 19,60% kế hoạch giao là 550.855,441 tỷ đồng). Vốn nước ngoài là 2.184,56 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 là 150.415,78 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch (đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2021 đạt 26,23% kế hoạch và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: Vốn trong nước là 147.418,92 tỷ đồng (đạt 26,76% kế hoạch và đạt 29,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 2.996,86 tỷ đồng (đạt 8,61% kế hoạch).
Trước đó, nhằm hỗ trợ cho người lao động gặp do khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 28/3/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khi người lao động đáp ứng đủ điều kiện, với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ 1/4/2022 đến hết ngày 15/8/2022. Nhưng đến thời điểm này, việc giải ngân vẫn rất ì ạch. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đưa ra nhiều lý do và hướng khắc phục, dù có chuyển biến nhưng không biết thời hạn ngày 15/8 có về đích hay không.
Tương tự, thời gian trước nữa, Chính phủ cũng có các gói hỗ trợ xây và mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, song kết quả triển khai cũng không đạt mục tiêu đề ra.
Nếu như việc giải ngân đầu tư công bị chậm, các cấp, ngành đều chung nhận định do quy định văn bản pháp luật còn chồng chéo, một số cán bộ “sợ” trách nhiệm, nhưng những gói hỗ trợ an sinh giúp người lao động vượt qua khó khăn như đề cập ở trên cũng bị chậm và các cấp, ngành chức năng mỗi khi giải trình cũng đưa ra đủ mọi lý do, trong đó lý do “muôn thuở” vẫn là văn bản quy định thiếu, lại chồng chéo.
Xét góc độ quản lý Nhà nước, văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp, tiếp đến bộ luật, luật; tiếp nữa là nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của bộ, ngành; các quyết định hành chính của thủ trưởng cơ quan hành chính từ cấp Chính phủ đến cấp xã phường. Hành lang pháp lý không thiếu, thậm chí so với các nước khác khá nhiều. Nhưng mỗi lần giải ngân các nguồn vốn đầu tư (ngân sách), vốn cho mục tiêu an sinh - xã hội cũng đều bị chậm.
Thậm chí có những nguồn vốn cần giải ngân “nóng” (cần nhanh để giúp người dân trong lúc khó khăn như thiên tai, địch họa) nhưng rồi trở thành “lạnh” vì kéo dài thời gian triển khai… Bởi vậy, nếu nói thiếu hành lang pháp lý, thiếu văn bản hướng dẫn cũng không đúng. Ở một số nước, thậm chí không có những văn bản hướng dẫn dưới luật (nghị định, thông tư), song những chính sách hỗ trợ an sinh (ví như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia) họ triển khai rất nhanh.
Để không chỉ tiền đầu tư công mà tất cả các gói hỗ trợ liên quan đến an sinh xã hội được giải ngân nhanh, ngoài việc rà soát các văn bản pháp quy, sự phối hợp các cấp, ngành cũng cần phải “rà soát” cả hệ thống triển khai xem lỗi ở khâu nào. Nhất quyết không thể xảy ra tình trạng chậm mãi được.
H.Lê
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/can-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-143409.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này