Phòng ngừa và xử lý các sự cố y khoa

16:30 | 26/05/2022
Ngày 26/5, báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Hồng Bàng tổ chức hội thảo: “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” nhằm đưa ra những thông tin khách quan, giúp cộng đồng hiểu hơn về các sự cố y khoa, đồng thời tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho cả người bệnh và y bác sĩ.
TP.HCM: Xử lý nghiêm hành vi trốn thuế trong các giao dịch bất động sản TP.HCM: Gần 1.000 doanh nghiệp nợ hàng nghìn tỷ đồng bảo hiểm xã hội Giả mạo Trung tâm Báo chí TP.HCM để kêu gọi tài trợ tri ân nhà báo

Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS.BS, Thầy thuốc Nhân dân Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cùng lãnh đạo nhiều bệnh viện tại khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết, sự cố y khoa dù là điều không mong muốn nhưng rất dễ xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh. Nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện để hạn chế tối đa việc này, nếu đã xảy ra thì hạn chế tối đa tác hại của sự cố.

Phòng ngừa và xử lý các sự cố y khoa
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ý tế.

"Thời gian qua, thỉnh thoảng lại rộ lên sự cố y khoa, thu hút sự chú ý lớn của xã hội. Vì thế hội thảo này là một trong những cách góp phần nhận diện tình hình sự cố y khoa trong việc khám chữa bệnh, qua đó hạn chế khả năng xảy ra sự cố y khoa và đưa ra cách ứng xử phù hợp". ông Lê Xuân Sơn chia sẻ thêm.

Trao đổi tại hội thảo, BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM dẫn một khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cho rằng, sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, sự cố y khoa gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. Đơn cử, sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%. Vì thế cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu.

Chia sẻ những sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho biết, trong 3 năm gần đây, Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã tiếp nhận khoảng 511 ca bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ. Trong đó phần lớn biến chứng từ tình trạng người dân đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Theo ông Nguyễn Phan Tú Dung, nhiều trường hợp không phải y bác sĩ, hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler (chất làm đầy), tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… và gây ra những tai biến, những sự cố y khoa đáng tiếc cho bệnh nhân.

Phòng ngừa và xử lý các sự cố y khoa
Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh sự cố y khoa. Mặt khác khi xảy ra sự cố y khoa, Phòng Công tác xã hội của các bệnh viện là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, đồng thời nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học để sinh viên tiếp cận thực tế.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này