Kỳ 1: Những nốt nhạc lỗi
Chưa bao giờ Hà Nội rộng mở như bây giờ, song cũng chưa bao giờ bộ mặt kiến trúc đô thị lại bị méo mó như hiện tại. Dẫu chúng ta có đầy đủ các văn bản pháp quy về quản lý xây dựng, đô thị, dẫu chúng ta có đầy đủ các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về xây dựng từ cấp thành phố (TP), sở, ngành đến quận, huyện, xã phường.
Ai muốn xây thì xây
Đại thi hào Pháp V.Huy- Gô từng nói “TP là cuốn sách mở”. Nghĩa là khi một du khách đặt chân đến một TP nào đó chỉ cần nhìn qua kiến trúc đô thị, không gian sống họ đã đọc, hiểu được phần nào tầng văn hóa, trình độ văn minh và yếu tố thượng tôn pháp luật ở nơi đó. Với Hà Nội một TP có hơn 7 triệu dân đang trên con đường đô thị hóa, hiện đại hóa bên cạnh những vẻ đẹp tự nhiên, duyên dáng hiếm nơi nào có, thì phải khẳng định điều đang làm Thủ đô trở nên xấu xí, mất duyên dáng đi chính là khâu kiến trúc và xây dựng đô thị (ở đây chưa bàn đến văn hóa cư dân). Phải thừa nhận, ngoài những kiến trúc, các khu nhà do Pháp để lại vẫn để lại nét duyên dáng cả về không gian, cảnh quan, lịch sử... thì hầu hết những khu đô thị, những dãy phố hiện tại vẫn không có những khu, khối kiến trúc đủ tầm. Kiến trúc, xây dựng đô thị Hà Nội vẫn rất ngổn ngang. “Bói’ không tìm ra được nét bản sắc văn hóa rất Hà Nội hay mang tầm nghệ thuật, một bản giao hưởng về kiến trúc đô thị thực sự.
Phải chăng chúng ta yếu về chuyên môn, hay chúng ta yếu về nhân lực quản lý? Thực ra, trong suốt thời gian qua, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã có chuyên ngành về kiến trúc. Hàng năm, Đại học Kiến trúc Hà Nội và một số trường đã cho ra đời hàng ngàn cử nhân chuyên về kiến trúc. Còn hiện tại, TP có hai cơ quan chuyên về kiến trúc và xây dựng: Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng, rồi dưới là các UBND quận, huyện. Còn nói về hệ thống luật pháp, Luật Xây dựng đã có; Luật Thủ đô cũng đang đi vào cuộc sống.
Thế nhưng, bộ mặt đô thị vẫn xấu!
Anh Nguyễn Bình, hiện đang làm ở Tcty xây dựng Sông Hồng nói rằng: Tôi chẳng cần quan tâm đến hiện nay TP đang có những cơ quan, đơn vị nào quản lý về kiến trúc và xây dựng, mà tôi chỉ nhìn vào bộ mặt đô thị Hà Nội hiện nay, có hiện đại đấy song méo mó quá chừng. Kiến trúc và xây dựng đơn giản mới dừng là nơi để sống chứ không phải là để ở, để cho cộng đồng với những không gian đẫm chất nghệ thuật. Anh Bình nhấn mạnh: Nghệ thuật đây không phải là bắt người dân phải tốn tiền, tốn công xây những công trình lòe loẹt với nhiều hoa văn, tiết tấu, mà nghệ thuật chính là tính tổng thể của nó ra sao. Và anh đưa ra những dẫn chứng rất xác đáng về 03 địa danh: 36 phố phường; Khâm Thiên, đường Xã Đàn mới. Cụ thể, khu 36 phố phường được cho là báu vật của kiến trúc Hà Nội , tuy nhiên thực tế khu này đang bị băm nát bởi những đường nét về kiến trúc- xây dựng mà những người đang sử dụng mang lại. Ai muốn sơn màu gì thì sơn, ai muốn lắp cửa gì thì lắp; đặc biệt theo quy định khu phố cổ không được xây nhà quá 3 tầng, song nay những tòa nhà cao 4 tầng, 5 tầng thậm chí 7 tầng mọc nhan nhản. Nói là cổ, nhưng đi trên những con phố cổ chỉ còn lại những cung đường bé nhỏ là “cổ” còn lại những tòa nhà hai bên phố phường đã trở nên biến dạng rất nhiều. Một bản nhạc cổ rất đẹp, bị các nhạc công làm lỗi nhịp. Còn ở phố Khâm Thiên, một trong những khu phố chứng kiến những chiến tích chiến tranh kỳ vĩ không chỉ của Thủ đô với sự kiện 12 ngày đêm bắn B52 mà là niềm tự hào của cả nước. Nay đi trên con phố này, chẳng có một công trình kiến trúc nào khắc lại hình ảnh hào hùng này. Kiến trúc cũng là lịch sử. Rõ ràng, đây không phải lỗi của người dân mà lỗi bởi các nhà quy hoạch kiến trúc. Còn với phố Xã Đàn, một cung đường được cho là đắt nhất hành tinh, khi làm con đường này xong, người ta hy vọng hai bên đường là những công trình kiến trúc đẹp, nhưng hỡi ôi nay thì đủ loại nhà cao, thấp, siêu mỏng, siêu sắc màu được mọc lên.
Muốn có những con người văn minh, cư xử thanh lịch thì trước tiên phải có một bộ mặt đô thị văn minh trước. Ví như, một anh chàng, cô nàng khoác trên mình một bộ quần áo đẹp, lịch sự thì anh ta, cô ta không thể nào sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa! |
Có thể nói, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là nơi mà quản lý xây dựng vào loại thoáng nhất. Ai muốn xây gì thì xây.
Ai to hơn ai?
Sự lộn xộn về xây dựng đô thị Hà Nội hiện nay, trách nhiệm chắc chắn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu nói về khâu tham mưu và quản lý nhà nước về xây dựng, Hà Nội còn có các cơ quan chuyên ngành hơn cả trung ương. Về hoạch định và quản lý xây dựng Chính phủ chỉ duy nhất có Bộ Xây dựng; trong khi TP Hà Nội có hẳn hai cơ quan: Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, bộ mặt đô thị Hà Nội từ ngoại thành đến nội thành vẫn rất ngổn ngang. Rõ ràng, khi quyết định thành lập Sở Quy hoạch- Kiến trúc Tp rất chú trọng đến hai nhóm vấn đề có tính chất tầm nhìn đó là quy hoạch đô thị và kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, dường như hiện nay cơ quan này mới chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch. Quy hoạch vĩ mô (chung) và quy hoạch chi tiết (vùng, địa bàn dân cư) mà chưa chú tâm đến khâu kiến trúc.
Trong khi đó, Sở Xây dựng lại tham mưu và quản lý nhà nước về xây dựng theo kiểu xây gì, xây thế nào, xây ra sao. Đấy là chưa kể việc phân cấp quản lý xây dựng được giao cho các quận, huyện, xã phường. Vì thế mới dẫn đến tình trạng xây thế nào cũng được. Nhìn vào góc độ quy hoạch kiến trúc và xây dựng hiện nay, chúng ta đang theo cách: Cái bụng đang đói, vì thế chỉ cần kiếm thức ăn sao cho thật no, còn khẩu vị, mùi vị, nghệ thuật ra sao không quan tâm. Kỹ sư Nguyễn Hữu Hà hiện đang làm trợ giảng tại Đại học Paris 2 trong lần về nước từng tâm sự với PV: Xét cả về quy trình đào tạo lẫn quản lý nhà nước ở ta đang khác xa các nước. Ở các nước, ngoài yếu tố kiến trúc, các sinh viên theo học ngành này phải rất am hiểu các lĩnh vực không thể bỏ qua: Văn hóa, lịch sử, kinh tế. Còn về mặt quản lý các cơ quan chuyên về kiến trúc to hơn các cơ quan về quản lý xây dựng. Anh Hà đưa ra dẫn chứng: Đô thị các nước người ta cũng phân khu ra các địa giới hành chính. Mỗi địa giới hành chính, họ nghiên cứu rất kỹ về chế độ địa hình, địa chất, văn hóa, tín ngưỡng, công trình lịch sử, không gian sống. Sau khi có được những yếu tố này các nhà kiến trúc mới phác thảo xem khu đó kiến trúc thế nào là hợp lý. Nghĩa là không thể bán rẻ không gian lịch sử, không gian văn hóa, không gian sinh tồn. Và khi bản quy hoạch kiến trúc đã được chính quyền phê duyệt người dân, cơ quan cứ thế xây, ai sai cơ quan quản lý về xây dựng sẽ tuýt còi. Nghĩa là: Cơ quan quản lý xây dựng ví như Sở Xây dựng của ta chỉ làm hai chức năng: Quy hoạch về xây dựng và quản lý xây dựng theo luật. Còn cơ quan kiến trúc có chức năng là điều tra, lập thiết kế kiến trúc để cho các cư dân, đơn vị triển khai. Hai cơ quan này có chức năng riêng và không hề đá nhau. Cơ quan kiến trúc có chức năng là làm đẹp cho TP.
Còn ở Hà Nội hiện đang tồn tại các hệ thống quản lý vốn nhiều mà lỏng lẻo: Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và hệ thống UBND các cấp. Chính vì thế, để gọn nhẹ và khoa học trong công tác quản lý, giúp công tác quản lý về đô thị Hà Nội một cách hiện đại anh Hà và một số chuyên gia cũng như quan điểm của chúng tôi là nên đưa chức năng quy hoạch đô thị của Sở Quy hoạch Kiến trúc về Sở Xây dựng (Sở Kiến trúc); sở này chỉ làm mỗi nhiệm vụ kiến trúc, còn khâu quy hoạch xây dựng thuộc Sở Xây dựng. Còn UBND quận, huyện chỉ thực hiện chức năng giám sát xem xây dựng có đúng luật hay không. Nếu không tách bạch được các chức năng hoạch định, quản lý về xây dựng thì kiến trúc đô thị Hà Nội sẽ không bao giờ đẹp được. Bộ mặt đô thị không đẹp, không văn minh thì ứng xử, hành xử của con người vẫn không thể nào văn minh được.
Kỳ hai: Góc nhìn nhà kiến trúc
Lê Hà
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/de-do-thi-ha-noi-that-su-la-ban-nhac-giao-huong-can-lam-nhac-truong-1384.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này