Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Đổi mới giáo dục nghề nghiệp để nâng tầm kỹ năng lao động Khởi động dự án đổi mới giáo dục phổ thông |
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục chiếm một vị trí quan trọng. Người từng nói: “Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tại buổi thăm và nói chuyện với giáo viên cấp 2, 3 toàn miền Bắc (9/1958), Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho nước nhà… Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”.
![]() |
Để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường giáo dục- đào tạo đóng vai trò quan trọng. Và để giáo dục- đào tạo là lĩnh vực tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục- Đào tạo phải quán triệt phương châm "Học thật, thi thật, chất lượng thật". (Ảnh mang tính minh họa- P.Thảo) |
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục - đào tạo, những thập kỷ qua, ngành Giáo dục - Đào tạo đã không ngừng đổi mới, nâng cao công tác giáo dục đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Bên cạnh những thành tựu to lớn, công tác giáo dục đào tạo cũng còn những khiếm khuyết, bất cập mà bản thân ngành Giáo dục - Đào tạo cũng đã nhận ra, song chậm được khắc phục. Trong đó phải kể đến bệnh thành tích, chạy theo văn bằng, chứng chỉ, học chưa đi đôi với hành.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Đồng thời, “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà”, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra một số yêu cầu đối với Ngành, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là “học thật, thi thật và nhân tài thật”. Ngắn gọn, súc tích, song có ý nghĩa mang tính “đột phá chiến lược” đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo quan điểm của người viết, đối với bậc từ tiều học đến đại học, “học thật” là học đủ những kiến thức chuyên môn, lẫn kiến thức về giáo dục nhân cách; “học thật” là học đi đôi với hành, tránh kiểu học chay thiên về lý thuyết suông. “Học thật” là tập trung học kiến thức ở trường, không phải đi học thêm. Tình trạng dạy thêm tràn lan phải được chấm dứt. Đối với bậc trên đại học như cao học, đào tạo tiến sĩ, hoặc đào tạo cho những người đã đi làm nhưng cần “bằng cấp” phải đầu tư học thật sự để lấy kiến thức chuyên sâu, chứ không phải theo học đủ trường một cách hình thức chỉ để lấy các loại văn bằng, chứng chỉ làm "đẹp hồ sơ".
Về “thi thật”, thi là khâu cuối cùng để đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên, học viên. Giống như trong sản xuất kinh doanh, lợi nhuận là yếu tố đánh giá cuối cùng của hiệu quả, thì thi thật sẽ góp phần đánh giá đúng năng lực học sinh, đồng thời cũng nhìn nhận một cách chính xác năng lực đào tạo của giáo viên.
Cuối cùng “nhân tài thật” là kết quả của việc “học thật”, “thi thật” mà ra. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, muốn có “nguyên khí” tốt trọng trách hoàn toàn thuộc về ngành Giáo dục. Nói một cách ngắn gọn, ngành Giáo dục - Đào tạo với trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, là cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách về giáo dục đào tạo thông qua các khâu học tập, thi cử phải tạo ra nguồn lao động chất lượng cao cho đất nước, phải tạo ra nhân tài cho quốc gia để thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường!
Lê Hà
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-de-xay-dung-dat-nuoc-hung-cuong-122796.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này