Đánh thức tiềm lực, nâng tầm vị thế

11:24 | 02/02/2021
Dưới góc nhìn người tham gia hoạch định chính sách của Quốc hội, đồng thời là “công dân” của Thủ đô, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã dành cho báo Lao động Thủ đô những chia sẻ, đánh giá tâm huyết, trực diện với mong muốn Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực.
Kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mới sau Đại hội XIII của Đảng Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị Thủ đô Hà Nội vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới
Đánh thức tiềm lực, nâng tầm vị thế
Hồ Hoàng Cầu. Ảnh: Mạnh Tiến

1. Trước hết nói về không gian phát triển của Hà Nội, có ý kiến cho rằng nên phát triển Hà Nội như Niu Đê-li, Thủ đô của Ấn Độ - một bên Hà Nội cổ, một bên Hà Nội mới. Nhưng quan điểm của tôi nên phát triển kết hợp. Đó là Hà Nội ở phía Nam sông Hồng - đất Kinh kỳ mà lõi chính là Thăng Long, nhưng không gian phát triển về địa dư lại là phía Bắc sông Hồng.

Đáng mừng là Hà Nội chuẩn bị hạ tầng rất tốt ở phía Bắc, đặc biệt khu vực Đông Anh kết nối với sân bay Nội Bài, rồi đang mở rộng ra Gia Lâm, giáp với Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh… Đây là cơ hội để Hà Nội thực hiện quy hoạch mở rộng ra phía Bắc sông Hồng.

Nhưng vấn đề cần bàn ở đây chính là hệ thống giao thông kết nối hai bên bờ Bắc và Nam sông Hồng. Nguồn đầu tư cho việc bắc hàng chục cây cầu qua sông Hồng là rất lớn, thì phải tìm giải pháp, có thể xã hội hóa thu hút đầu tư hoặc có một phương thức thực hiện phù hợp với Luật đối tác công tư mà Quốc hội vừa thông qua, ngày 1/1/2021 có hiệu lực, thì mới đánh thức được tiềm năng như con Rồng bừng tỉnh. Đó là không gian đáng lưu ý của Hà Nội, nhưng phải chọn bước đi phù hợp, lựa chọn được việc nào làm trước.

Hay như bài toán giao thông ở Hà Nội thì giữa bờ Bắc, bờ Nam sông Hồng phải đặt ưu tiên hàng đầu là việc bắc cầu trước chứ không phải xây khu đô thị trước, nếu xây khu đô thị trước thì chúng ta tạo ra áp lực về giao thông trước khi có giao thông, như thế là ngược với quy luật. Như vậy Nhà nước sẽ thiệt đơn thiệt kép, thiệt ở chỗ thay vì mở đường trước để giải phóng mặt bằng thì giá bồi thường sẽ thấp, nhưng khi hình thành khu đô thị xong rồi thì giá bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ cao hơn rất nhiều. Vì thế, việc mở rộng quy hoạch không gian đô thị của Hà Nội phải lựa chọn thứ tự ưu tiên cái nào làm trước cái nào làm sau và ở đây phải chọn yếu tố đầu tư công trước.

2. Hà Nội còn có lợi thế không gian phát triển du lịch. Du lịch Hà Nội rất phong phú, đa dạng, có du lịch tâm linh, có du lịch văn hóa lịch sử và có cả những điểm du lịch mới hình thành. Phải nói rằng trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã có những điểm nhấn, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy, tuy nhiên những điểm phát triển văn hóa du lịch của Hà Nội vẫn còn mờ nhạt, chưa thực sự đậm nét. Chính vì vậy, cần phải có yếu tố kích hoạt từ thể chế, ứng xử văn hóa của người Thủ đô để làm sao có giải pháp tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào chuỗi giá trị ấy.

Ví dụ như quy hoạch căn bản cho đô thị phố cổ rồi thì nên chọn cách triển khai theo cuốn chiếu, lấy điểm làm tiền đề kích hoạt cho những việc làm sau. Tại sao không chọn không gian phố cổ 36 phố phường khoanh lại, đưa ra các tiêu chí cụ thể. Như dân cư trong không gian đó mà giữ lại thì đời sống, công ăn việc làm của họ như thế nào, chứ không thể duy trì khu phố cổ với hình ảnh dân ngụ cư quá chật chội dưới mức tiêu chuẩn. Nếu cần thiết phải di dời dân đi nơi khác với sự hỗ trợ của Nhà nước như thế nào để bảo tồn không gian ấy, tập trung về kiến trúc không gian, hạ tầng giao thông, tiêu chuẩn dân cư…

Trong các lợi thế, Hà Nội cần xác định đâu là lợi thế lâu dài, đâu là lợi thế trước mắt và phải tìm ra giải pháp lâu dài và giải pháp trước mắt; chọn thứ tự ưu tiên cái nào làm trước cái nào làm sau. Cái làm trước sẽ là tiền đề cho cái làm sau, cái sau cộng hưởng với cái trước để làm tiền đề kích hoạt cho những cái sau nữa. Các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, không gian văn hóa… nó liên hoàn và có mối liên hệ với nhau như vậy thì mới thực sự đi vào từ lớp lang, trật tự phát triển.

Hay như việc tổ chức chợ đêm, phố đi bộ nhưng chưa chú trọng đến các yếu tố lâu dài như kiến trúc, điều kiện sống, công ăn việc làm, sinh hoạt của dân cư bản địa. Nên chăng chúng ta chọn cái đó trước để khơi thông thế mạnh phố cổ thu hút khách du lịch, từ đó không gian văn hóa sẽ mọc lên, mà vẫn giữ được cốt cách người Tràng An, giá trị phố cổ.

3. Nói đến Hà Nội là nói đến nơi hội tụ các anh tài, đó chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có lẽ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị bậc nhất về nhân tài vì nơi đây tập trung nhiều trường Đại học trung tâm, ở đó có những người có kiến thức sâu rộng, bài bản. Thế hệ đào tạo cán bộ ra chính là sinh viên, nguồn nhân lực tiềm tàng.

Thế nhưng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm các mô hình phát triển, đáng lẽ Hà Nội phải lựa chọn ưu thế này. Hay nguồn nhân lực từ các Viện nghiên cứu, cơ sở ứng dụng, phải có không gian phát triển để có hình thức tham khảo ý kiến có thể tận dụng sản phẩm trí tuệ của lực lượng này.

Hà Nội còn có thế mạnh nhà đầu tư tham gia vào liên kết kinh tế như tập đoàn đa quốc gia. Đây chính là những kinh nghiệm để rút ra những bài học quản trị, ứng dụng sáng tạo mô hình phát triển mà chúng ta có thể tiếp cận được.

Hà Nội cần có những cuộc đối thoại chuyên sâu về đường lối, chính sách giải pháp cụ thể giữa cấp ủy, chính quyền Thành phố với các nhà khoa học. Qua các cuộc đối thoại này sẽ định dạng được giải pháp lớn để từ đó giao cho các cấp chính quyền tìm đối tác. Cách đi này sẽ thuận hơn là các cơ quan chuyên ngành đề xuất các giải pháp mang tính kỹ thuật. Đây chính là phương thức tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, phải tận dụng để phục vụ hoạch định chính sách phát triển Hà Nội.

Vũ Quế (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này