Tăng cường tương tác giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên qua mạng xã hội Facebook Ứng xử thế nào với mạng xã hội Vi phạm trên mạng cũng sẽ bị xử lý như ở ngoài đời thực |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Có một sự so sánh khá khập khiễng nhưng rất logic đó là câu chuyện về đại dịch Covid-19. Khi ở các nước phương Tây và Hoa Kỳ đặt quyền tự do cá nhân lên quá cao trong mùa đại dịch, dân chúng lúc đầu không chịu đeo khẩu trang, tụ tập đông người vẫn diễn ra và đặc biệt việc “truy vết” các F0, F1, F2 không thể thực hiện.
Đến nay, các nước Tây Âu, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi đại dịch. Số ca mắc và tử vong liên tục tăng cao! Xem ra cái giá của “tự do cá nhân” xét trong phạm vi thiên tai, dịch họa là quá đắt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc bảo vệ nhân quyền trong đó có bảo vệ đời tư cá nhân trên mạng xã hội lại rất cao. Hiếm có người sử dụng mạng xã hội “lôi đời tư” hay chuyện hậu trường không có kiểm chứng lên mạng. Lớ ngớ bị xử lý ngay! Có viết, có nói cứ lên truyền thông mà phát biểu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình!
Ở ta, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, thành quả của internet với sự ra đời của mạng xã hội như Facebook, YouTube…các thể loại thông tin cũng vì thế tự do tràn lan trên mạng. Ngoài dựng thông tin giả, hót trên mạng để câu like, câu view, bán hàng online, không ít người sử dụng mạng xã hội để viết, tung thông tin phục vụ ý đồ riêng của mình. Đặc biệt là các video trên YouTube, các bài viết trên Facebook về các vấn đề chính trị đất nước.
Trên mạng xã hội, nhiều Facebook cá nhân không chỉ viết với tính chất phản biện, góc nhìn đa chiều mà còn tự do “phán” về thể chế, về cơ chế, chính sách… còn “hay” hơn cả chuyên gia. Nguy hiểm hơn, khi Đại hội XIII chưa đến, khi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang được người dân ủng hộ, hoan nghênh, thì nhiều người dùng mạng xã hội để “chắp bút”, thậm chí “sắp ghế” nhân sự Đại hội như “đúng rồi”.
Chưa hết, không ít người còn khai thác đời tư về gia thế, rồi cả chuyện tình cảm của không ít đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước với mức độ vu khống đến trắng trợn. Nguy hiểm, chuyện chống tham nhũng thì được gán mác “đấu đá nội bộ”! …
Đáng chú ý, những thông tin như vậy lại được nhiều người dân tìm đọc, thậm chí nhiều người còn tin hơn cả báo chính thức. Không khó để nhận ra thời buổi cách mạng 4.0, từ đô thị đến làng quê, từ anh xe ôm, tài xế taxi đến thợ cắt tóc vỉa hè, rồi cả cán bộ về hưu hễ rỗi là kè kè chiếc điện thoại thông minh xem mạng.
Họ xem những video phát trên hệ thống YouTube, Faccbook cá nhân và cho rằng những tin đó là thật. Sức mạnh của mạng xã hội, mạng thông tin không chính thống “mạnh” đến nỗi, không ít người trước kia vốn sống rất hiền hòa, làm ăn chăm chỉ, thì nay đụng đến là nói lời tiêu cực…
Có một điều không thể phủ nhận, cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi kèm đó là phát sinh một số vấn nạn như tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền… Tất cả vấn nạn đó Đảng ta đã, đang, sẽ đấu tranh không khoan nhượng, với phương châm không có vùng cấm, đẩy lùi những vấn nạn trên ra khỏi đời sống chính trị- kinh tế- xã hội đất nước. Một số người từng ngao du khắp thế giới cũng công nhận chẳng đâu sướng bằng sống ở nước mình!
Trở lại vấn đề tự do hóa mạng xã hội, để không còn tình trạng “lộng ngôn”, “loạn thông tin” trên mạng xã hội có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cũng phải tiếp tục làm việc nghiêm khắc hơn với các “nhà mạng”nước ngoài để họ thượng tôn pháp luật của chúng ta.!
H.P
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/khong-the-de-long-ngon-loan-tin-tran-lan-tren-mang-116457.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này