Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách sáng ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường - Đoàn Hà Nội đã đề cập đến vấn đề phát triển đường sắt đô thị ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong đó nhấn mạnh, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang đô thị hóa mạnh mẽ và phát triển bùng nổ trở thành những siêu đô thị 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng. Sự phát triển đó dẫn đến tăng dân số cơ cơ học bình quân hàng năm khoảng 200 nghìn người, gây áp lực lớn hệ thống hạ tầng cơ sở vốn đã quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hệ lụy là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, làm thiệt hại kinh tế và là điểm nghẽn về phát triển kinh tế của 2 thành phố.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn đại biểu Hà Nội |
Lấy ví dụ cụ thể tại thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu, thiệt hại do ùn tắc giao thông hàng năm là 6 tỉ USD, tương đường 13% GDP của thành phố. Hiện nay, việc tập trung đầu tư phát triển đường sắt đô thị được xem như giải pháp cứu cánh mang tính then chốt của cả 2 thành phố lớn của Việt Nam; hệ thống đường sắt đô thị được xác định có hệ thống 8 tuyến. Trong đó, đường sắt đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 224km, mức đầu tư 25 tỉ USD; Hà Nội là 318km mức đầu tư 30 tỉ USD; hiện có 1 số tuyến đã triển khai ở các bước, các giai đoạn khác nhau.
Phát triển đường sắt đô thị được xem là yếu tố tất yếu và bức bách, tuy nhiên việc phát triển cho thấy đang gặp 1 số vấn đề mà mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần gây bức xúc dư luận như các tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - Ga Hà Nội; Suối Tiên - Bến Thành... Các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trưởng tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án sau ko phải lập lại”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Trình bày vấn đề phát triển đường sắt đô thị gắn với giao thông công cộng, quy hoạch phát triển đô thị để phát huy tác dụng của loại hình hạ tầng quan trọng này, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, do tính liên kết chưa cao nên đường sắt đô thị với 2 đô thị lớn nhất hiện nay vẫn đơn thuần như một sản phẩm nhập khẩu, chỉ là phép cộng thuần tuý.
Trong khi đó, để phát huy hiệu quả của đường sắt đô thị phải có sự kết nối với hệ thống giao thông công cộng, bãi đậu xe, tuyến bus. Vậy nên, cần xem lại vấn đề tái cấu trúc không gian đô thị để thu hút người sử dụng đường sắt đô thị - ông Thường nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng đề nghị, cần nội địa hoá công nghệ, tích hợp công nghệ toàn mạng và chuyển giao công nghệ ngay lập tức. Bởi, hiện nay các dự án đường sắt đô thị đều thực hiện theo hình thức ODA nên bị động cả về vốn, về công nghệ, vận hành.
Đề cập đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, đây là dự án được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm thời gian qua, theo đại biểu, kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ Giao thông vận tải hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn, không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ và đề nghị cần có giải pháp mạnh để dự án này không sai hẹn thêm lần thứ 9; không để kéo dài gây bức xúc dư luận.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị Quốc hội giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân kiểu Tokyo, để nhà đầu tư tham gia đầu tư tuyến đường sắt đô thị và hưởng lợi từ việc khai thác quỹ đất tại các tuyến còn dư địa.
Đỗ Đạt
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-nguyen-phi-thuong-ha-noi-can-nghien-cuu-mo-hinh-duong-sat-do-thi-tu-nhan-115130.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này