Cải cách hành chính: Nâng cao hiệu quả từ cấp cơ sở

21:24 | 18/09/2020
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”, có thể thấy Hà Nội đã đạt kết quả khả quan trong công tác cải cách hành chính ngay từ cấp cơ sở.
Đổi mới cổng thông tin để hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính
Hình thành nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo động lực để phát triển kinh tế

Sự chuyển biến tích cực

Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm) chia sẻ, trước đây, khi sinh con đầu lòng, anh phải mất rất nhiều thời gian ra phường để xếp hàng, đăng ký, chờ đợi lấy giấy khai sinh. Bây giờ, điều khiến anh hài lòng nhất là chỉ cần ở nhà, với 20 phút để nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến, còn mọi việc sau đó đã có cán bộ phường xử lý.

“Thậm chí, giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế của con còn có thể được nhận ngay tại nhà nếu sử dụng dịch vụ công mức độ 3. Thủ tục đăng ký khai sinh, hộ khẩu được cải tiến, tôi rất ủng hộ và mong muốn việc làm này được triển khai thêm ở nhiều lĩnh vực hành chính khác”, anh Hùng cho biết.

Cải cách hành chính: Nâng cao hiệu quả từ cấp cơ sở
Tại phường Đức Thắng, người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 ngay tại nhà hoặc Tổ dân phố

Chia sẻ của anh Hùng nêu trên cũng là ghi nhận chung của nhiều người dân khi phải giải quyết thủ tục hành chính tại phường Đức Thắng thời gian qua.

Tại phường Đức Thắng, công tác cải cách hành chính được thể hiện qua việc giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả, đúng quy trình. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ dân phố điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2020, phường đã tiếp 2.401 lượt công dân với 5.554 hồ sơ, trong đó 3.882 hồ sơ giải quyết trước hạn, đạt tỷ lệ 69,9%; 1.672 hồ sơ giải quyết đúng hạn, chiếm tỷ lệ 30,1%.

Còn tại phường Hàng Bột (quận Đống Đa), việc đổi mới và nâng cao chất lượng cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, ứng dụng công nghệ thông tin, đề cao kỷ cương kỷ luật hành chính kết hợp với thanh tra giám sát được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của phường. Đặc biệt, phường luôn đề cao thực hiện phương châm: Nhiệt tình phục vụ nhân dân. Lấy sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm thước đo cho chất lượng cải cách hành chính.

Ngay tại cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Hưng cho biết, hằng năm Ủy ban nhân dân xã đều xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính. Theo đó, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính.

“Đặc biệt, trong quá trình triển khai luôn công khai, minh bạch cụ thể hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức tạo sự đơn giản, thuận tiện cho người dân trong giao dịch hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001;2015 trong hoạt động thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Võ cho biết.

Nhiều cách làm sáng tạo

Ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều này đặc biệt thể hiện ở chỗ Thành phố đã tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả” và “Một đầu mối, một việc xuyên suốt”. Do vậy, ngay tại địa phương, các phường, quận cũng đã triển khai chương trình cải cách hành chính với nhiều cách làm mới, sáng tạo.

Cải cách hành chính: Nâng cao hiệu quả từ cấp cơ sở
Tại nhiều địa phương, công tác cải cách hành chính đã có nhiều điểm mới, cách làm sáng tạo

Đơn cử, tại quận Đống Đa, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận đến cơ sở đã thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính. Qua đó, xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chưc trong việc giải quyết công việc của người dân.

Các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã xây dựng các chuyên đề, kế hoach để tổ chức thực hiện đạt kết quả thiết thực góp phần hoàn thiện thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị văn hóa xã hội của địa phương. Đặc biệt, tập thể lãnh đạo quận đã đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm đặc biệt là gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; siết chặt kỉ luật, kỉ cương hành chính của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong quận....

Hay tại quận Cầu Giấy, thời gian qua, công tác cải cách hành chính được cấp ủy, chính quyền quận Cầu Giấy chú trọng với những giải pháp triển khai thiết thực. Đến nay, Uỷ ban nhân dân quận đã chỉ đạo lập 3 tài khoản trên mạng xã hội Facebook là: “Quận Cầu Giấy - Thủ đô Hà Nội”, “Vì quận Cầu Giấy Xanh - Sạch - Đẹp”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận Cầu Giấy”. Qua đó, rất nhiều phản ánh, kiến nghị được giải quyết kịp thời, giảm tải việc giải quyết đơn thư theo quy định. Những năm gần đây, từ phường đến quận đều không có thủ tục hành chính nào bị trả chậm muộn.

Tương tự, tại quận Thanh Xuân, Uỷ ban nhân quận đã công khai số điện thoại của lãnh đạo quận để người dân dễ dàng phản ánh thông tin. Khi có ý kiến phản ánh, Uỷ ban nhân dân quận mời công dân đến để ghi nhận, tiếp thu, giải quyết theo thẩm quyền. Cách làm đó đã góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

Với sự vào cuộc quyết tâm của các cấp chính quyền từ các cấp, tin tưởng rằng, chương trình cải cách hành hính, chất lượng phục vụ tổ chức, công dân của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện, nâng cao trong thời gian tới.

Theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2020, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Cùng đó, thành phố sẽ khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này