Giải bài toán có tiền mà không biết tiêu!

09:43 | 25/08/2020
Không có tiền để chi tiêu, nền kinh tế sẽ gặp khó một, nhưng có tiền mà không tiêu được nền kinh tế gặp khó hai. Đơn giản, trong mỗi đồng tiền “nằm im” có không ít “xu” phải gánh cả nợ lẫn lãi!
Giải ngân nhanh vốn đầu tư công khen thưởng, giải ngân chậm xử lý
Dồn sức giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội
Giải ngân vốn ngân sách trong tháng 4 đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ
2325 unnamed
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Chưa khi nào Chính phủ và cá nhân Thủ tướng liên tục đốc thúc tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã được Trung ương phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương như hiện tại. Chỉ trong vòng mấy tháng, Thủ tướng Chính phủ đã hai, ba lần tổ chức Hội nghị, họp giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, tỉnh, thành về giải pháp triển khai nguồn vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng đã lập các tổ công tác giám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công xuống các địa phương. Không chỉ cá nhân Thủ tướng, mà các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng thời gian qua cũng “bám” các địa phương để kịp thời nắm bắt và đề xuất phương án tháo gỡ. Dẫu có những chuyển biến đáng kể, song trên thực tế công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công cơ bản vẫn chậm. Có bộ, địa phương đến hết tháng 7 mới giải ngân được 15% nguồn vốn, thậm chí có địa phương, bộ xin chuyển nguồn vốn đầu tư công cho các bộ, địa phương khác.

Câu hỏi đặt ra, tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, ngành, tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công khá cao, có bộ, ngành, tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công rất chậm? Tại sao cũng những quy định như thế, doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án rất nhanh? Doanh nghiệp Nhà nước triển khai rất chậm? Xét cho cùng âu cũng là “yếu tố’ con người!

Bàn về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế nói với người viết: Sở dĩ giải ngân chậm cũng chỉ vì hai yếu tố. Thứ nhất, chúng ta nói đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhưng để phê duyệt và giải ngân nguồn vốn thì lại vướng cả “rừng” văn bản. Đấy là chưa kể các văn bản của mỗi bộ, ngành có khi vênh nhau. Thứ hai, từ yếu tố văn bản hành chính, quá trình phê duyệt rườm rà dẫn đến việc “bệnh sợ trách nhiệm”. Nếu không “ngâm cứu” kỹ, vội vàng ký, ừ thì triển khai nhanh đó, song quá trình hậu kiểm có khi bị vi phạm pháp luật như chơi! Thành ra, không ít cán bộ, cơ quan “nản”!

Ý kiến chuyên gia nêu ra cũng có lý, song tại sao vẫn cơ chế đấy, bộ máy quản lý và con người đấy, doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án “nhàn tênh” và rất “thần tốc”? Dự án đường vành đai 2 trên cao với tổng số vốn 9.400 tỷ đồng do tập đoàn Vingroup đầu tư là minh chứng sống động. Ngoại trừ tuyến đường Minh Khai chưa có mặt bằng sạch để thi công, hoàn thiện, còn lại các tuyến như đoạn Trường Chinh- Ngã Tư Sở chưa đến 2 năm thi công, ngày Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ thông xe và đưa vào sử dụng. Tuyến đường không chỉ thi công nhanh mà còn rất đẹp. Trong khi những dự án khác của Nhà nước, do chủ đầu tư là bộ, ngành, tỉnh thành, doanh nghiệp Nhà nước triển khai thì đang rất ỳ ạch. Dự án sân bay Long Thành là ví dụ điển hình.

Như chúng ta đã biết, vì ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nên muốn đầu tư cho phát triển, chúng ta phải huy động thêm nhiều vốn trong đó có vay thương mại và vay ưu đãi (ODA- nguồn này đang rất hạn chế). Khi nguồn vốn vay đã về “kho bạc”, được Quốc hội phân bổ, Chính phủ phê duyệt xuống cho các bộ, ngành…thì vốn lại không thể đến chân công trình. Hệ lụy của việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm là phát triển kinh tế bị trì trệ (GDP tăng trưởng thấp) mà chúng ta phải gánh cả khoản vay lẫn lãi cho đối tác. Vốn có bỗng hóa thiệt hại kép!

Do đó, với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục đôn đốc việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hy vọng các bộ, ngành sẽ cùng nhau vào cuộc rà soát các văn bản hành chính chồng chéo (nếu có), đồng thời mỗi cán bộ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải vận dụng sáng tạo trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, đúng luật để giải cho được bài toán “có tiền không tiêu được”.!

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này