Thông điệp không để ai bị bỏ lại phía sau

07:02 | 01/05/2020
Để bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 lên cuộc sống của hàng triệu lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng giúp đỡ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19. 
thong diep khong ai de lai phia sau Cộng đồng doanh nghiệp “mong ngóng” tiếp cận gói hỗ trợ
thong diep khong ai de lai phia sau VFF sẽ nhận được 500.000 USD từ gói hỗ trợ của FIFA
thong diep khong ai de lai phia sau Hà Nội “gấp rút” tìm người gặp khó khăn do dịch Covid-19 để hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương đã “gấp rút” rà soát, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Thời điểm này, đã có nhiều người lao động nhận được hỗ trợ từ gói ý nghĩa này, song cũng còn nhiều người lao động mong muốn sớm được nhận tiền hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Chị Đỗ Thị Mùi, lao động tự do ở phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bộc bạch: “Trước đây hai vợ chồng làm ở bãi giữ xe cũng có đồng ra đồng vào, nhưng từ khi dịch bệnh, chẳng ai mướn, cuộc sống trở nên khó khăn, chi tiêu chỉ dám hà tiện khoảng 70.000 - 80.000 đồng/ngày. Tôi nghe tổ dân phố phổ biến, chúng tôi được trợ cấp 1 triệu đồng/tháng thật tuyệt vời quá”.

thong diep khong ai de lai phia sau
Những nhóm đối tượng khó khăn sẽ được nhận gọi hỗ trợ an sinh xã hội.

Chị Nguyễn Mai Hương, công nhân may ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, ngừng sản xuất nên chị nghỉ không lương và còn nuôi 2 con nhỏ. “Tôi cũng nghe được thông tin nhà nước sẽ có hỗ trợ những người lao động nghỉ việc không lương. Số tiền hỗ trợ không lớn nhưng cũng là sự chia sẻ đối với những người lao động khó khăn kinh tế như chúng tôi”, chị Hương chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Phú Thọ) đang ở trọ tại xã Đông Dư, (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng không có việc làm. Cả 2 vợ chồng anh Hùng xuống Hà Nội để mưu sinh và làm cùng nghề, nuôi con nhỏ 2 tuổi. Thời gian qua thực sự là chuỗi ngày khó khăn với gia đình anh. Mới đây, gia đình anh đã được địa phương lập danh sách để thụ hưởng trợ cấp an sinh xã hội của Nhà nước.

Thành phố Hà Nội đã cơ bản rà soát xong một số nhóm đối tượng dự kiến được hỗ trợ trong gói an sinh xã hội. Theo đó, tổng số người dự kiến được hỗ trợ là hơn 1,48 triệu người với số tiền dự kiến hỗ trợ gần 3.534 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đây mới chỉ là danh sách rà soát bước đầu, sau khi có hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành, Hà Nội sẽ tiến hành rà soát lại để sàng lọc đối tượng, và tránh bỏ sót.

Khi thiết lập được danh sách chính thức, chính quyền cơ sở sẽ niêm yết công khai để mọi người dân trong cộng đồng dân cư đều có thể giám sát, bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng, minh bạch, khách quan.

“Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo có chính sách đặc thù cho một số đối tượng như giáo viên mầm non ngoài trường công lập, đối tượng không bảo hiểm y tế…nằm ngoài gói an sinh xã hội để có hỗ trợ riêng”, ông Dân cho biết thêm.

“Tôi phấn khởi lắm, mong muốn sớm được xem xét nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Số tiền hỗ trợ của Chính phủ lúc này chính là phao cứu sinh cho người nghèo chúng tôi, có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra”, anh Hùng bộc bạch.

Làm nghề “xe ôm”, hộ ông Ngô Văn Q, sinh năm 1961 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đã dừng chạy cả tháng nay. Nhớ nghề do ở nhà lâu, rảnh việc ông cứ mang xe ra lau chùi mong đến ngày được đi làm trở lại.

Ông Q bảo, cuộc sống hiện tại đang phải trông chờ vào ít tiền tích góp trong thời gian qua. Vì vậy, việc Chính phủ có gói hộ trợ cho người nghèo là rất có ý nghĩa và nhân văn giúp cho nhiều gia đình vượt qua cơn bĩ cực từ dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng), hiện nay phường đã lập xong danh sách người lao động tự do đang bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19.

“Khi lập xong danh sách những người thuộc diện nhận trợ cấp theo Nghị quyết của Chính phủ, chúng tôi sẽ niêm yết công khai tại nhà văn hóa cho người dân tự đối chiếu, xem xét và có ý kiến. Chúng tôi cam kết làm công tâm, đúng người đúng đối tượng để tiền hỗ trợ của Chính phủ đến đúng tay đối tượng, phát huy được tác dụng”, ông Thắng cho hay.

Tổng mức hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 62.000 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.

Đối tượng: Người có công với cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo; lao động tự do, mất việc nhưng chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, ngừng kinh doanh từ 1/4; lao động mất việc từ 14 ngày trở lên; doanh nghiệp khó khăn tài chính.

Không chỉ người lao động vui mừng và hy vọng sớm nhận được tiền từ gói an sinh xã hội của Chính phủ mà nhiều đơn vị doanh nghiệp nhỏ cũng đang mong “chiếc phao cứu sinh” này để vượt qua khó khăn.

Ông Hoàng Văn Khảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, hiện đơn vị cung cấp rất nhiều sản phẩm rau, củ, quả an toàn vào hệ thống siêu thị và một số bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục phải tạm ngừng hoạt động nên đối tác cung ứng của Hợp tác xã có xu hướng giảm. Nếu như trước sản lượng cung ứng là 2,5 – 3 tấn rau, củ quả/ngày thì nay chỉ còn 2 tấn rau, củ, quả/ngày. Ông Khảm hiện cũng rất mong đợi những hỗ trợ thiết thực từ phía cơ quan quản lý nhà nước để phát triển sản xuất.

Theo báo cáo của Chính phủ, ở nước ta hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.

Ước tính sơ bộ, cả nước có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động ngành du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, hàng triệu người lao động đã, đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Trong tháng 4 và tháng 5/2020, nếu dịch Covid-19 chưa được khống chế, đẩy lùi, thì cả nước có khoảng 2 triệu người lao động bị ngừng việc hoặc mất việc làm...

Do đó, gói an sinh xã hội của Chính phủ là “cứu cánh” trực tiếp cho người nghèo, người yếu thế, người lao động... chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nói cách khác gói hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một Chính phủ hành động.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này