Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể

13:41 | 21/02/2020
"Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (tại đơn vị còn hiệu lực thực hiện); phấn đấu có ít nhất 45% bản Thỏa ước lao động đạt loại B trở lên, trong năm ký mới ít nhất 300 bản thỏa ước lao động tập thể...". Đây là một trong số những chỉ tiêu đặt ra cho các cấp công đoàn Thủ đô năm 2020.
nang cao chat luong thoa uoc lao dong tap the 103690 Đẩy mạnh thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
nang cao chat luong thoa uoc lao dong tap the 103690 Hoạt động công đoàn hướng về cơ sở
nang cao chat luong thoa uoc lao dong tap the 103690 Thi đua hướng tới nâng cao đời sống người lao động
nang cao chat luong thoa uoc lao dong tap the 103690
Công đoàn Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tập huấn kỹ năng thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố cho biết, xác định thỏa ước lao động tập thể là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn Thủ đô luôn đặc biệt coi trọng chỉ đạo công đoàn cơ sở thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp ký kết và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Cùng đó, thực hiện Hướng dẫn số 1580/HD-TLĐ ngày 21/10/214 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về hướng dẫn, đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể của công đoàn cơ sở, LĐLĐ Thành phố đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm và thành lập Tổ tư vấn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Năm 2019 vừa qua, theo báo cáo của 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể, đạt 58,32%. Những đơn vị đạt tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể cao là LĐLĐ quận Long Biên, LĐLĐ quận Nam Từ Liêm, LĐLĐ huyện Đan Phượng. Có 1.114 bản thỏa ước lao động tập thể nộp về LĐLĐ Thành phố (đạt tỷ lệ 22%); trong đó có 568 thỏa ước lao động tập thể đã được công đoàn cấp trên chấm điểm.

Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đại diện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, điển hình như LĐLĐ các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông v.v… Nhiều quyền lợi chính đáng của người lao động đã được công đoàn cơ sở thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề; chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của công nhân lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Tuy nhiên, theo đánh giá của LĐLĐ Thành phố, số lượng thỏa ước lao động tập thể dược ký kết trên địa bàn Thành phố như trên vẫn còn ở mức rất thấp, chất lượng thỏa ước lao động tập thể chưa cao.

Để góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động thông qua ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, năm 2020, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; duy trì nâng cao chất lượng hoạt động “Thư viện thỏa ước lao động tập thể”.

Mục tiêu mà LĐLĐ Thành phố đặt ra trong năm nay là: Tập trung nâng tỉ lệ các đơn vị ký kết thỏa ước lao động tập thể và nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể đã ký kết, phấn đấu 75% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị (còn hiệu lực thực hiện); phấn đấu có ít nhất 45% bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên, trong năm ký mới ít nhất 300 bản Thỏa ước lao động tập thể.

Với quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu nói trên, mới đây, ngay từ đầu tháng 2/2020, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng đã ký công văn số 66/LĐLĐ gửi LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đôn đốc công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể năm 2020. Tại công văn này, LĐLĐ Thành phố Hà Nội yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện một số nhiệm vụ.

Trước hết, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các công đoàn cấp trên cơ sở phải chỉ đạo công đoàn cơ sở trực thuộc rà soát, sửa đổi bổ sung Thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với các văn bản pháp luật và tình hình mới. Đối với những công đoàn cơ sở chưa ký kết hoặc Thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể theo quy định.

Cùng đó, LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện chấm điểm, xếp loại (A,B,C,D) thỏa ước lao động tập thể, lập trang bìa tổng hợp gửi về LĐLĐ Thành phố (qua Ban Chính sách Pháp luật) để cập nhật, quét vào phần mềm cơ sở dữ liệu và báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với đôn đốc các đơn vị thực hiện, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng mẫu thỏa ước lao động tập thể để các cơ sở tham khảo khi thương lượng, ký kết và hướng dẫn và đề nghị, trong trường hợp cần sự hỗ trợ về quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở liên hệ Tổ tư vấn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể LĐLĐ Thành phố để có sự hỗ trợ kịp thời.

LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn Thủ đô trong năm 2020 vì vậy, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần khẩn trương triển khai thực hiện nhằm nâng cao số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này