Nâng cao đời sống nông thôn góc nhìn từ Sơn Tây

Tăng chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững

11:02 | 10/01/2020
Công cuộc xây dựng nông thôn mới suy cho cùng đích đến vẫn là nâng cao được chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để khẳng định vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự tiên phong của tổ chức Đảng.
tang chat luong song tao sinh ke ben vung Sơn Tây ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông
tang chat luong song tao sinh ke ben vung Chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới
tang chat luong song tao sinh ke ben vung Công bố nhãn hiệu mật ong Kim Sơn
tang chat luong song tao sinh ke ben vung
Hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây đang hình thành mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Mật ong Kim Sơn là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thị xã. Ảnh: Luyện Đinh

Nâng cao chất lượng sống

Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Ban chấp hành Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó Thị ủy đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 30/5/2016 về đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội thị xã giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Kết quả, tính riêng 5 năm qua, kinh tế thị xã tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt tỷ lệ 9,8%/năm; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 44,1%; dịch vụ chiếm 44,3%; nông nghiệp chiếm 11,6%; Thu nhập bình quân/đầu người đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/năm (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015).

Đáng chú ý, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Minh chứng dễ thấy, 6/6 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí (tăng 14 tiêu chí so với năm 2010); cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang sạch đẹp, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, hình thành một số mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Theo tìm hiểu, một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã đạt kết quả cao như: Hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, vượt kế hoạch thành phố giao 52,93ha; 100% đường giao thông trục xã, liên xã, 100% đường liên thôn, trục thôn được cứng hóa; 96,3% đường giao thông thôn xóm được kiên cố hóa; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 87,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế…

97,1% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm; đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,3%.

Nhằm tạo bước chuyển căn bản trong sản xuất nông nghiệp, thị xã Sơn Tây đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình mới, như: Trồng hoa, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, nhất là vận động nông dân chuyển sang chăn nuôi đà điểu và trồng cây gai, bởi các mô hình này cho thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, thị xã tích cực hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, tạo điều kiện cho chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước giúp nông dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp…

Lan tỏa phong trào sâu rộng

Tham quan tìm hiểu thực tế tại một số mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: Nuôi gà mía, nuôi ong và các nghề thủ công truyền thống như làm bánh kẹo... ở các địa phương thuộc Sơn Tây, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn thị xã đã bước đầu hình thành mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây còn có thêm mô hình liên kết nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Sản phẩm gà mía Sơn Tây, mật ong Kim Sơn là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thị xã.

Định hướng phát triển thị xã Sơn Tây đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Thương mại dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đến năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 53%, công nghiệp xây dựng chiếm 45% và nông nghiệp chiếm 2,0%. Đến năm 2030, dịch vụ chiếm 62,5%, công nghiệp xây dựng chiếm 37% và nông nghiệp là 0,5%. Đến năm 2030, xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế trọng tâm của thị xã Sơn Tây. Riêng về định hướng phát triển không gian nông thôn, thị xã Sơn Tây chú trọng thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp kỹ thuật cao, năng suất cao, giảm số lượng lao động nông nghiệp. Phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp sinh thái. Khai thác lợi thế về các vùng cảnh quan thiên nhiên, công trình di tích như khu vực hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, đầm Được tạo thành các khu vực dịch vụ, du lịch cao cấp thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn nói riêng, thị xã nói chung. Đặc biệt hình thành khu du lịch, dịch vụ vui chơi giản trí cao cấp tại khu vực hồ Đồng Mô, đây sẽ là điểm du lịch thu hút lượng khách lớn trong và ngoài nước. Hình thành các cụm đổi mới đồng thời là khu trung tâm các xã: Đường Lâm, Xuân Sơn, Kim Sơn, Thanh Mỹ, Sơn Đông, Cổ Đông để hỗ trợ sản xuất đối với làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển hạ tầng xã hội.

Ở Sơn Tây, Đường Lâm cũng là một trong những địa phương có nhiều dấu ấn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Về Đường Lâm bây giờ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong xã, các hộ dân được khuyến khích phát triển kinh tế, phát triển các mô hình trang trại như: Nuôi gà mía, nuôi bò sữa… Qua đó, đời sống của nhân dân đã khá lên.

Nói sâu về kinh nghiệm đúc rút được từ quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đường Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Lợi cho rằng, xây dựng nông thôn mới mục đích cao nhất là đời sống người dân phải đi lên rõ rệt. Vì vậy, mọi việc trước tiên là để mỗi gia đình, mỗi hộ dân có đời sống ấm no và phát triển hơn.

Còn theo ông Chu Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn, công tác tuyên truyền đối với nhân dân rất quan trọng, công tác dân vận phải làm rất tốt thì quá trình xây dựng nông thôn mới sẽ thực sự hiệu quả và san sẻ bớt những khó khăn. Khi tiến hành những hạng mục của xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã cử từng cán bộ xuống các chi bộ thôn, cùng tham gia họp, vận động bà con để bà con hiểu về vai trò của mình với việc xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ cùng với nhân dân họp bàn, đưa ra phương án đóng góp phù hợp nhất, nhân dân ai có nguồn có thể đóng góp thêm, ai hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn thì có thể thu dưới mức đã thống nhất, thay vào đó, dân góp công, góp ngày làm.

Rõ ràng, từ thực tế triển khai phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới” ở nhiều địa phương thuộc Sơn Tây đã chứng minh, để công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn đi vào thực chất, chiều sâu phải phát huy được tính tiên phong, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Gắn mình với cơ sở, gần dân, bên cạnh dân, không phải là những khái niệm chung chung mà còn được thể hiện ở việc thực hiện, nói đi đôi với làm, đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, nông thôn Sơn Tây đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Thời gian tới, các xã xây dựng nông thôn mới ở Sơn Tây sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, để các làng, các xã trên địa bàn thực sự là nông thôn mới và nông thôn văn hóa.

Luyện Đinh – Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này