“Thăng hoa” di sản bằng công nghệ

11:58 | 24/12/2019
Thời gian gần đây, với sự tham gia của công nghệ, việc quảng bá nghệ thuật dân gian, di sản văn hóa Hà Nội dần trở nên phổ biến. Với cách thức thể hiện hoàn toàn mới có thể giúp người xem có thể trải nghiệm, tương tác trực tiếp với tác phẩm. Trong đó điển hình là việc giới thiệu tranh Hàng Trống bằng công nghệ 3D mapping, trí tuệ nhân tạo đã gây ấn tượng với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội.
thang hoa di san bang cong nghe Đổi mới không gian sống bằng tranh 3D
thang hoa di san bang cong nghe Kinh ngạc với tranh 3D đánh lừa thị giác ngoạn mục
thang hoa di san bang cong nghe Tranh 3D bằng bút chì cực đỉnh

Khoảng 1-2 năm trở lại đây, người dân Thủ đô có nhiều cơ hội được đắm mình trong không gian nghệ thuật đa giác quan thông qua những buổi triển lãm tranh kết hợp “thực” và “ảo”. Thay vì chỉ được xem các bức tranh ở dạng 2D được treo thông thường, người dân sẽ được trải nghiệm tranh dưới dạng 3D hoặc tương tác trực tiếp với tranh một cách dễ dàng.

Không chỉ thu hút được đông đảo công chúng Thủ đô, việc ứng dụng công nghệ còn mở ra một lối thưởng thức tranh một cách văn minh, hiện đại. Thể hiện tinh thần sáng tạo ở mọi lĩnh vực của Hà Nội, đúng như danh hiệu Thành phố sáng tạo mà UNESCO mới trao tặng.

thang hoa di san bang cong nghe
Tranh Hàng Trống cũng được đưa vào trình chiếu theo công nghệ 3D Mapping tạo sự hấp dẫn, cuốn hút người xem

Đặc biệt gây được ấn tượng trong tháng 11, tháng 12 vừa qua là triển lãm trưng bày tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên (người được coi là nghệ nhân duy nhất còn nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống) tại Bảo tàng Hà Nội và Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Triển lãm đã rất thành công khi ứng dụng công nghệ 3D mapping (phủ hình ảnh bằng ánh sáng lên vật thể 3D) vô cùng mới mẻ.

Thông qua những buổi triển lãm, tranh Hàng Trống được dàn dựng trong một không gian mở, công phu cùng âm thanh sống động. Người xem sẽ đi từ không gian thực với những góc văn hóa đặc trưng của tranh xưa dần dần đến với không gian ảo trình chiếu hơn 100 bức tranh Hàng Trống nhờ công nghệ 3D mapping. Với công nghệ này, những bức tranh được phóng lớn chồng lên nhau, lớp hình ảnh này lan tỏa thay thế bằng lớp hình ảnh khác trên bức tường gấp khúc tạo ra chiều sâu không gian đa chiều.

Không dừng lại ở đó, bên cạnh 3D mapping, tranh Hàng Trống còn được ứng dụng thêm công nghệ nhận diện gương mặt, trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng dụng công nghệ này, trí tuệ nhân tạo học theo nét vẽ và phong cách vẽ của tranh dân gian Hàng Trống và tạo ra hình ảnh của khách tham quan theo đường nét, phong cách tranh Hàng Trống. Khi bước vào trải nghiệm tại không gian này, trí tuệ nhân tạo sẽ lập tức đưa hình ảnh của khách tham quan vào tranh, điều đó khiến khách tham quan xuất hiện trong nhiều bức tranh Hàng Trống.

Đại diện ban tổ chức cho biết, việc kết hợp song song hai không gian trưng bày (không gian trưng bày thực và không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ mới) nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của nhiều đối tượng người xem khác nhau. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, đặc biệt là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận diện hình ảnh, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại sẽ cuốn hút người xem, thu hút được khán giả ở đủ mọi lứa tuổi.

thang hoa di san bang cong nghe
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ nhận diện gương mặt, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các nét vẽ theo phong cách tranh Hàng Trống.

Bất ngờ khi nghệ thuật truyền thống dân gian được làm mới đặc sắc, anh Nguyễn Minh Tuấn (Đống Đa) bày tỏ: “Với những phương tiện và cách làm hiện đại đã làm sống lại dòng tranh Hàng Trống một cách sinh động. Qua đó vừa tái hiện được nét truyền thống vừa mang tính chất của khoa học hiện đại.

Là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, cùng với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)… tranh Hàng Trống đã góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển mỹ thuật dân gian Việt Nam, làm cho nghề tranh truyền thống trở nên cực thịnh một thời.

Tranh Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16, phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón (Hà Nội) với hai loại phổ biến là tranh thờ và tranh Tết. Đặc điểm nổi bật của tranh Hàng Trống này là nét mảnh, tinh, yểu điệu. Đây là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời cũng được xem là dòng tranh đại diện cho mảnh đất Thăng Long, mang vẻ đẹp độc đáo rất riêng của chốn Kinh kỳ.

Nhiều năm trở lại đây, trước sự phát triển nở rộ của những dòng tranh hiện đại, những trường phái hội họa tân tiến, những dòng tranh dân gian trong đó có tranh Hàng Trống dường như yếu thế hơn hẳn về thị trường. Chính vì vậy, những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống giảm hẳn. Hiện, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn gắn bó với nghệ thuật tranh Hàng Trống và những nét tinh hoa của dòng tranh.

Với tư cách là một người xem tôi cảm thấy cách làm này bổ ích với các bạn trẻ, những người chưa thực sự quan tâm đến giá trị truyền thống. Tôi hi vọng rằng nếu hình thức này được ứng dụng trên các dòng tranh khác nữa sẽ thu hút được nhiều người xem hơn. Người dân Hà Nội cũng sẽ có những địa chỉ văn minh, tin cậy để thư giãn vào những ngày cuối tuần, tìm hiểu thêm về những di sản đặc trưng của đất Kinh kỳ”.

Cùng chung nhận định, chị Phạm Ngọc Hoa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước đây tôi không để ý đến các dòng tranh dân gian bởi nghĩ rằng tranh dân gian là những gì cổ điển và khó hiểu. Tất cả những bức tranh đều được phóng to lên, người xem sẽ nhận rõ được những đường nét, bố cục tranh, màu sắc của tranh. Thông qua những cách làm mới tôi nhận thấy được sự thú vị trong từng bức tranh. Không chỉ riêng tôi, bạn bè tôi cũng tò mò và thích thú khi thử làm một nhân vật trong tranh. Tôi nghĩ với cách làm này sẽ thu hút được nhiều người đến với tranh dân gian”.

Có thể nhận thấy, các giá trị văn hóa truyền thống vốn luôn mang một ý nghĩa mở. Luôn cần một sự phát triển, tiếp biến trong văn hóa để cái cũ làm nền cho cái mới, phát huy tác dụng trong đời sống hôm nay. Không chỉ riêng Hà Nội, trên thế giới, công nghệ đang được ứng dụng ngày một mạnh mẽ hơn vào quảng bá di sản văn hóa.

Từ những hiệu quả bước đầu và đánh giá tích cực của công chúng, thiết nghĩ, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quảng bá di sản là vô cùng cần thiết. Bởi đây con đường ngắn nhất để giới trẻ cũng như bạn bè quốc tế hiểu biết rộng rãi về một dòng tranh quý hiếm của người dân đất Hà thành bao đời.

Tuy nhiên, theo các đơn vị tổ chức, nhược điểm của việc ứng dụng công nghệ là khá tốn kém và thiếu hụt về máy móc. Do đó, để có thể phát huy hơn nữa thế mạnh và vai trò của công nghệ cần sự đầu tư bài bản từ khâu tổ chức, máy móc và sự chung sức, quan tâm hơn nữa của cộng đồng.

N.Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này